Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Văn bản Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản giải trình chất vấn của Đại biểu Quốc hội mà Thủ tướng vì không đủ thời gian nên chưa trả lời trong phiên chất vấn tại Hội trường Quốc hội ngày 25/11/2011. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong Phiên chất vấn ngày 25 tháng 11 năm 2011 tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, tôi đã nhận được 26 câu hỏi chất vấn của 22 vị Đại biểu Quốc hội. Tôi đã trực tiếp trả lời 5 vấn đề[1]. Các chất vấn còn lại, tôi xin giải trình như sau:
1. Về bất cập của công tác quy hoạch và giải pháp khắc phục (chất vấn của Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh).
Công tác quy hoạch bao gồm quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực… luôn được xác định là khâu quan trọng, là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Chính phủ đã ban hành hệ thống quy định khá đầy đủ và công tác này đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước[2]. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, công tác quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức; chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; liên kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương chưa chặt chẽ; tầm nhìn và chất lượng quy hoạch còn thấp; công tác quản lý nhà nước về quy hoạch còn nhiều yếu kém.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quy hoạch, trong đó đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch theo quy định hiện hành; rà soát, sửa đổi các quy định về trình tự lập quy hoạch, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch. Yêu cầu tăng cường năng lực của các tổ chức liên quan đến lập, thẩm định, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch; bố trí cán bộ có năng lực và trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về quy hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch, quản lý phát triển theo quy hoạch.
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn về trình tự quy hoạch, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Quy hoạch, báo cáo Chính phủ để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
2. Về hướng giải quyết đối với tình trạng thiếu bệnh viện, trường học, nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong khi đó lại thừa khu công nghiệp, sân gôn (chất vấn của Đại biểu Võ Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh).
Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng và phát triển trường học, bệnh viện đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Việc thực hiện các đề án, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hệ thống bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân như đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, các bệnh viện chuyên khoa và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn... đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều đề án, cơ chế, chính sách về phát triển mạng lưới trường, lớp học cũng đã được triển khai thực hiện. Cùng với đầu tư của nhà nước, công tác xã hội hoá trong giáo dục cũng được đẩy mạnh; việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho sinh viên và nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp ở đô thị cũng đã đạt nhiều kết quả tích cực
Tuy nhiên, thực trạng như Đại biểu nêu là một thực tế mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, tháo gỡ bằng hệ thống đồng bộ các biện pháp, từ quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, sử dụng đất đai, bố trí và huy động các nguồn lực đầu tư... Trong đó, cùng với việc tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp về vốn, đất đai, thuế… nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, phát triển trường học, bệnh viện, nhà ở cho người có thu nhập thấp; quản lý chặt chẽ quỹ đất và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội trong các dự án phát triển đô thị mới.
Về phát triển các khu công nghiệp và sân gôn: Đây là việc đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch sân gôn đến năm 2020, trong đó đã tính tới việc đảm bảo diện tích đất trồng lúa 3,8 triệu ha. Sắp tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết 20 năm đầu tư, phát triển khu công nghiệp nhằm có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển khu công nghiệp hiệu quả hơn. Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý, giám sát đầu tư sân gôn, đảm bảo môi trường, không lấy đất trồng lúa để làm sân gôn; đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan rà soát, đánh giá việc đầu tư sân gôn, trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Về giải pháp để vừa thực hiện Nghị quyết 11 nhưng vẫn thực hiện được việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hoàn thành đường bộ xuyên Việt trước năm 2020 (chất vấn của Đại biểu Lê Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa)
Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020). Để phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, hệ thống, bảo đảm chất lượng, cần có lộ trình và bước đi thích hợp, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đường bộ xuyên Việt gồm: quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển. Chính phủ đã xây dựng Đề án “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó ưu tiên mở rộng quốc lộ 1A và một số đoạn đường cao tốc (trục dọc Bắc - Nam).
Thực hiện Nghị quyết 11, Chính phủ yêu cầu rà soát, điều chỉnh vốn tập trung cho các công trình trọng điểm, cấp bách để sớm hoàn thành và đi vào sử dụng. Song song với chủ trương giảm tỷ trọng đầu tư công, Chính phủ đã và đang xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế và thu hút vốn ODA, FDI, đẩy mạnh việc áp dụng các hình thức đầu tư như BT, BOT, PPP... vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng để vừa bảo đảm nguồn vốn đầu tư, vừa tận dụng được kỹ thuật, khả năng quản lý của các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phù hợp với lộ trình nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
4. Về chuyển đổi sang hình thức đầu tư BT, BOT, BTO, PPP và việc cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư (chất vấn của Đại biểu Châu Thị Thu Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội).
Đầu tư theo hợp đồng BT, BOT, BTO, PPP là các hình thức phổ biến trên thế giới nhằm huy động vốn từ các thành phần kinh tế, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ở nước ta, thời gian qua đã thực hiện các hình thức này trong đầu tư một số nhà máy điện, đường giao thông... Chính phủ đã ban hành các Nghị định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT, BOT, BTO; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP. Khuôn khổ pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách cho việc đầu tư theo các hình thức trên đã tương đối đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện.
Để tạo điều kiện thu hút và triển khai các loại hình đầu tư BT, BOT, BTO và PPP, nhất là để tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng mà trước đây dự kiến hoặc đã triển khai một bước bằng vốn ngân sách, trái phiếu, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, trong đó có việc sửa đổi Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn thực hiện các quy định về chuẩn bị dự án, quản lý dự án; các chỉ tiêu tài chính của hợp đồng dự án, điều kiện và phương thức thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT; hướng dẫn chi tiết về hợp đồng PPP. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương tiến hành đánh giá, phân tích và lập danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, các dự án có thể bán hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước...; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư này[3]. Đồng thời nghiên cứu sửa đổi các quy định về mức thu phí, về đền bù giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
5. Về việc chậm tiến độ xây dựng nhà Quốc hội (chất vấn của Đại biểu Lê Như Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị).
Thực hiện Nghị quyết số 77 của Quốc hội khoá XI về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng triển khai công tác thi tuyển phương án kiến trúc và lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Ý thức rõ tầm quan trọng của Dự án, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức, xây dựng Nhà Quốc hội, đồng thời bảo đảm đủ vốn, không cắt giảm dù có rất nhiều khó khăn. Việc chậm tiến độ triển khai xây dựng nhà Quốc hội như Đại biểu nêu, nguyên nhân chính là do phải bảo đảm thời gian cho công tác khai quật, khảo cổ.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng trong tháng 5 năm 2013.
6. Về vấn đề mất cân đối nguồn nhân lực và đáp ứng nguồn nhân lực cho tái cơ cấu (chất vấn của các Đại biểu Nguyễn Thị Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận).
Trong Phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình với Quốc hội khá rõ về kết quả công tác phát triển nguồn nhân lực, đã nhấn mạnh 10 năm qua tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng từ 16% lên 40%, vấn đề “chóp ngược” trong cơ cấu nhân lực đã có bước được khắc phục.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, vẫn đang thiếu thầy giỏi và thiếu cả thợ giỏi. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; vẫn đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao. Đó cũng là lý do phát triển nguồn nhân lực được xác định là một khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Thực hiện khâu đột phá này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo kết hợp với mở rộng quy mô hợp lý. Không chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà còn phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thực hành, khả năng tự lực, lập nghiệp. Thời gian tới, chú trọng chỉ đạo thực hiện các giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, căn cứ quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cần có dự báo nhu cầu nhân lực. Trên cơ sở đó, triển khai đào tạo theo nhu cầu.
Thứ hai, xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đặc thù để tuyển chọn và đào tạo nhân tài đối với những lĩnh vực mũi nhọn, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia ngang tầm khu vực, từng bước vươn lên tầm thế giới trong tất cả các lĩnh vực từ quản trị kinh doanh, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật…
Thứ ba, tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề nhằm tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo (đạt 55% vào năm 2015 và đạt 70% vào năm 2020), đặc biệt chú ý đào tạo kỹ năng chuyên môn, xây dựng tác phong công nghiệp. Tăng cường đào tạo nhân lực cho các vùng và nhóm đặc thù. Tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Mở rộng đào tạo nghề phù hợp cho đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc và người tàn tật.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nhân lực. Đổi mới chính sách sử dụng nhân lực phù hợp với tiến trình hình thành và phát triển thị trường lao động. Trong hệ thống hành chính, bố trí cán bộ phải căn cứ vào năng lực; đánh giá cán bộ phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ; giao quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; tạo môi trường làm việc và cơ chế khuyến khích, phát huy tài năng đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước.
7. Về đề xuất thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng luật về tái cơ cấu nền kinh tế (chất vấn của Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh).
Tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khoá XI cũng đã xác định 3 trọng tâm tái cơ cấu trong thời gian tới. Để tái cơ cấu thành công, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp...
Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với hệ thống biện pháp đồng bộ, linh hoạt để tái cơ cấu đạt kết quả. Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, không cần thiết thành lập Uỷ ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội
8. Về giải pháp khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng, có nhiều dạng tội phạm và tội phạm đang trẻ hóa; ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức giảm sút (chất vấn của Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận)
Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp để giáo dục đạo đức xã hội, đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và tội phạm, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức. Tuy nhiên, tình trạng Đại biểu nêu là một thực tế đang gây nhiều bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi sự nỗ lực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ, đặc biệt là phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hiến, nhân nghĩa của cha ông. Kết hợp chặt chẽ vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội trong gìn giữ, đề cao, giáo dục và phát huy truyền thống, văn hoá, đạo đức, nhân cách tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; giảm tệ nạn ma túy, mại dâm; nâng cao hiệu quả quản lý, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống, tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa thông tin đồi trụy, kích động bạo lực.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị và đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực quản lý, có ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện kiên quyết, kiên trì, đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước; xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, không có bất kỳ “vùng cấm” nào; kiên quyết công khai hoá, minh bạch hoá trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nhất là những vị trí nhạy cảm và hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và xã hội đối với cán bộ, công chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
9. Về vấn đề kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính (chất vấn của Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi trọng kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, điều hành, không cho phép cấp dưới có quyền không báo cáo Chính phủ. Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, Chính phủ và các cơ quan hành chính thường xuyên có kiểm điểm, chấn chỉnh, đổi mới và thực hiện nghiêm các quy định của Quy chế làm việc. Việc không báo cáo, thông tin không đầy đủ, không phối hợp là những biểu hiện cụ thể của việc vi phạm Quy chế làm việc, sẽ được xử lý nghiêm túc theo quy định.
Trong hệ thống bộ máy của Chính phủ, mỗi cơ quan tham mưu có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng có quan hệ hỗ trợ, giám sát và bổ sung cho nhau. Việc các cơ quan có thể có quan điểm, ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề trong một vài trường hợp nhất định là khó tránh khỏi, do cách nhìn nhận từ chức năng, nhiệm vụ ở lĩnh vực mà các cơ quan đó phụ trách, hoặc cá biệt còn do quy định của pháp luật chưa thực sự rõ ràng. Trong các trường hợp như vậy, theo Quy chế làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các hình thức tổ chức họp để thống nhất ý kiến trước khi quyết định và việc xử lý vấn đề phải theo đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ đã và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ; gắn phân cấp với tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện đúng các quy định về chế độ thông tin, báo cáo; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước. Đây là một quá trình phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.
10. Về một số vấn đề liên quan đến việc tiếp tục đầu tư phòng chống và khắc phục hậu quả lũ, lụt, sạt lở, bồi lắng và sản xuất lúa vụ Thu Đông (vụ 3) tại đồng bằng sông Cửu Long (chất vấn của các Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Đại biểu Nguyễn Minh Kha, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh và Đại biểu Bùi Trí Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang).
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tại phiên chất vấn
Sau lũ lớn năm 2000 tại đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp để đồng bằng sông Cửu Long “chung sống với lũ” an toàn hơn, hiệu quả hơn. Đã yêu cầu các địa phương tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung trong mùa lũ; triển khai chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; đã xây dựng được 833 cụm, tuyến dân cư vượt lũ và 86 tuyến bờ bao chống lũ, tạo điều kiện chỗ ở ổn định cho trên 150 ngàn hộ dân. Đồng thời đã chỉ đạo quy hoạch lại sản xuất để có cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ phù hợp hơn với quy luật đặc thù của lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2011, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đạt mức xấp xỉ và có nhiều nơi vượt đỉnh lũ năm 2000. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại đã giảm mạnh cả về người, tài sản và diện tích lúa bị ngập[4]. Kết quả đó đã khẳng định chủ trương “chung sống với lũ” là đúng đắn, hiệu quả.
Về giải pháp trong thời gian tới, trước hết phải khẳng định Chính phủ không ngưng đầu tư vào chống lũ lụt như Đại biểu nêu mà vẫn tiếp tục đầu tư để giúp nhân dân đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ, tạo điều kiện để người dân sống an toàn, ổn định và phát triển sản xuất ngày càng hiệu quả cao hơn. Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục đầu tư thực hiện chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ở đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn II[5] gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới để đời sống dân cư vùng lũ ngày càng được cải thiện tốt hơn.
Tình trạng sạt lở, bồi lắng tại đồng bằng sông Cửu Long đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo ứng phó, khắc phục trong thời gian tới. Đây là một tác động tiêu cực của diễn biến thời tiết do biến đổi khí hậu nói chung và của sự biến đổi dòng chảy sông Mê-Công nói riêng. Tại Bến Tre, hệ quả tiêu cực của việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh (do thiếu vốn) hệ thống thuỷ lợi Ba Lai cũng đã góp phần làm cho việc kiểm soát mặn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, dẫn đến xảy ra sạt lở bờ sông ở một số khu vực vùng dự án, giao thông thủy bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định.
Chính phủ sẽ chỉ đạo huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế trong đó có việc vận động nguồn vốn ODA để tiếp tục đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hệ thống.
Chương trình củng cố, nâng cấp đê sông cũng là chương trình củng cố, nâng cấp các tuyến đê chống lũ triệt để[6] đã được rà soát, phân cấp, bao gồm các tuyến đê ở 18 tỉnh, thành phố phía Bắc và tuyến đê Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp đủ điều kiện đầu tư theo chương trình này. Do vậy, trong các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ có Đồng Tháp mới có khoản đầu tư 26 tỷ từ chương trình này, còn các tỉnh khác không có.
Chính phủ đang chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nghiên cứu quy hoạch lại sản xuất phù hợp với quy hoạch thoát lũ để có phương án đầu tư củng cố, nâng cấp các công trình thuỷ lợi (trong đó có hệ thống đê sông, biển), gia cố bờ bao tại những vùng quy hoạch sản xuất lúa vụ Thu Đông; tích cực hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê-Công trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê-Công; tạo điều kiện để người dân đồng bằng sông Cửu Long sống an toàn, ổn định và phát triển sản xuất ngày càng hiệu quả cao hơn.
Về sản xuất vụ 3 (Thu Đông) tại đồng bằng sông Cửu Long: Qua thực tiễn mười năm, vụ lúa Thu Đông đã được xác định là một trong 3 vụ lúa chính thức trong cơ cấu mùa vụ ở một số vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều thuận lợi trong canh tác và thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, dự kiến sản lượng đạt 3 triệu tấn, tăng so với năm 2010 trên 500.000 tấn.
Chính phủ chủ trương rà soát điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp hơn và tiếp tục duy trì sản xuất vụ Thu Đông tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới ở mức 600 - 650 ngàn ha và đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm thành công cho vụ lúa này.
11. Về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể và cá nhân có liên quan đến vụ việc Vinashin và kết quả tái cơ cấu của Tập đoàn Vinashin (chất vấn của Đại biểu Cù Thị Hậu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên và Đại biểu Trần Văn Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh).
* Về việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ Vinashin.
Chính phủ đã có báo cáo số 21/BC-CP ngày 04 tháng 11 năm 2011 gửi tới các Đại biểu Quốc hội, trong đó trình bày rất đầy đủ về kết quả điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Tôi xin nói rõ thêm một số điểm:
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm sau thanh tra. Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố điều tra và tạm giam theo quy định của pháp luật đối với 09 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, truy nã quốc tế 02 bị can. Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan để làm việc, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật.
* Về kết quả thực hiện tái cơ cấu Vinashin: Việc tái cơ cấu Vinashin đang được triển khai thực hiện theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn và đạt được những kết quả bước đầu như:
1. Đã thực hiện việc chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm sắp xếp theo đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị này và tận dụng được những kinh nghiệm, thế mạnh của 02 doanh nghiệp quy mô lớn, có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, dự án được chuyển giao.
2. Theo Đề án tái cơ cấu, đến tháng 10 năm 2011, đã giảm đầu mối 54 đơn vị (gồm rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị; giải thể 16 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại 11 đơn vị; sáp nhập 05 đơn vị, chuyển chủ sở hữu), chuyển quyền chủ sở hữu, đại diện vốn tại 10 đơn vị, quyền đại diện vốn ở 10 đơn vị, chuyển giao 01 đơn vị.
3. Kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý và nhân sự của Tập đoàn, ổn định một bước tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, cán bộ công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống người lao động bước đầu được ổn định.
Năm 2010, đã hoàn thành và bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó: 28 tàu xuất khẩu với tổng giá trị hợp đồng là 278 triệu USD; 36 tàu trong nước với tổng giá trị hợp đồng là 299 triệu USD (riêng trong 3 tháng cuối năm đã bàn giao 42/64 con tàu cho các chủ tàu trong nước và quốc tế).
Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ hạ thuỷ bàn giao 74 tàu, tổng giá trị là 584,7 triệu USD, trong đó có 24 tàu xuất khẩu.
4. Để cơ cấu lại tài chính, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn triển khai phương án cơ cấu lại nợ của Tập đoàn, cả nợ trong nước và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật. Việc tái cơ cấu này đã có những kết quả bước đầu.
12. Về các vấn đề chất vấn khác như: hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất; nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất ngân hàng; miễn giảm thuế cho nông dân; thông điệp về chống lạm phát và tăng trưởng; về lĩnh vực đầu tư công (chất vấn của các Đại biểu Châu Thị Thu Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Đại biểu Đặng Thành Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), tôi đã có trình bày trong Báo cáo của mình tại Phiên họp chất vấn.
------------------------------------------------
Xin được trân trọng giải trình với các vị Đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước./.
[1] Về vấn đề Biển Đông (chất vấn của các Đại biểu Lê Bộ Lĩnh, Đặng Ngọc Tùng), kinh doanh vàng (chất vấn của Đại biểu Đỗ Văn Vẻ), Luật biểu tình và chủ trương của Chính phủ đối với người biểu tình bày tỏ lòng yêu nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia (chất vấn của Đại biểu Đỗ Văn Vẻ), quản lý khai thác khoáng sản (chất vấn của các Đại biểu Lê Hồng Tịnh, Đặng Ngọc Quỳnh).
[2] Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát phát triển kinh tế - xã hội; xác định nội dung và trình tự lập quy hoạch; thẩm định và phê duyệt quy hoạch; Nghị định số 99/2006/NĐ-CP về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các văn bản liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
[3] Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011.
[4] Số người bị chết đã giảm được 82%, nhà bị ngập giảm 82,5%, số hộ phải di dời giảm 91,5%, diện tích lúa bị ngập giảm 93,6%.
[5] Dự kiến hoàn thành vào năm 2013 với tổng số 129 cụm tuyến dân cư, bố trí chỗ ở ổn định cho 57.252 hộ.
6 Được phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.