Với ông Đặng Thành Tâm, chị cả luôn xinh đẹp, nghị lực và giỏi giang, nhưng đã sai lầm khi lấy người chồng khiến bà phải chịu điều tiếng.
Trong gia đình 4 anh chị em, bà Đặng Thị Hoàng Yến
được xem như cánh chim đầu đàn dẫn dắt các em của mình công thành danh
toại. Cả 4 anh chị em đều đang sở hữu, điều hành nhiều doanh nghiệp quy
mô lớn, nhiều năm liền có mặt trong danh sách 100 người giàu nhất sàn
chứng khoán Việt Nam. Riêng ông Đặng Thành Tâm từng đứng đầu danh sách
năm 2007 với tổng tài sản bằng cổ phiếu tương đương 6.300 tỷ đồng.
Dưới đây là chia sẻ của ông Tâm về chị gái, giữa lúc
bà Hoàng Yến đối mặt với nguy cơ bị bãi nhiệm tư cách đại biểu vì nghi
vấn không trung thực khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13.
"Chị Yến sinh ngày 1/6/1959, là người rất thông minh,
đặc biệt giỏi văn và từ bé đã thích làm thơ. Thời đó gia đình chúng tôi
rất nghèo, ba mẹ đều là cán bộ nhà nước, làm quần quật vẫn không đủ nuôi
4 cái tàu há mồm là chị em chúng tôi. May mà lúc đó đi học không mất
tiền, tất cả đều được Nhà nước XHCN lo toan hết. Ngay từ nhỏ chị Yến đã
bộc lộ tính cách mạnh. Vì nhà nghèo phải lo toan cho các em, lại toàn
đứa bướng bỉnh, nên chị phải mạnh mẽ và quyết liệt thì mới chỉ huy được
mà.
Từ bé tôi rất yêu quý và thần tượng chị Yến, chị cũng
yêu quý tôi nhất nhà. Tôi thông minh nhưng lại lười và ham chơi. Nếu như
chị Yến mong muốn trở thành người Nhà nước, luôn phấn đấu vào Đảng thì
tôi lại không có ý chí làm quan, chỉ nghĩ sau này trở thành thuyền
trưởng viễn dương giống như bác ruột của mình. Tôi khá bằng lòng với
những gì mình có và thường được gọi là kẻ an phận.
Rồi chị tốt nghiệp Đại học Kinh tế ra làm cán bộ Nhà nước với bầu nhiệt huyết cháy bỏng và được kết nạp vào Đảng CSVN.
Nhưng 19 năm trước, chị phải rời bỏ con đường sự
nghiệp chính trị, vì phải giữ tròn lời hứa với chồng khi vuốt mắt cho
anh ấy, là sẽ nuôi dạy các con nên người. Nếu đi theo con đường chính
trị thì đồng lương khó khăn lắm, một mình không đủ nuôi con.
Khó khăn trong công việc, doanh nhân nữ hay nam cũng
đều phải trải qua, cay đắng cũng nhiều và nhiều người còn không vượt qua
được để rồi thất bại. Nhưng khó khăn đối với doanh nhân nữ bao giờ cũng
nặng hơn rất nhiều: một vai gánh vác gia đình, một vai gánh sự nghiệp.
Đặc biệt chị Yến vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha, vừa phải gánh vác
gia đình nuôi con khôn lớn. Khó khăn chồng chất không thể nói bằng lời.
Điều làm tôi ấn tượng, cảm động và nhớ nhất là năm 1989 khi anh Nguyễn Tứ Hải - chồng chị Yến qua đời vì tai nạn xe hơi.
Khi đó cháu Phương Anh mới 4 tuổi và đứa thứ 2 đang nằm trong bụng mẹ
chưa được đầy tháng. Nhiều người khuyên chị bỏ đi vì một thân một mình
làm sao nuôi nổi 2 đứa con với đồng lương công chức. Và chị còn rất trẻ
nên sẽ đi bước nữa, có nhiều con làm sao lấy chồng nữa được… Nhưng chị
vẫn giữ lại đứa bé vì tình yêu với chồng.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến tại Quốc hội. |
Đến tận bây giờ chị không thể nào quên lời thỏ thẻ của
cô con gái mới 4 tuổi: "Mẹ ơi, con ngửi thấy mùi kem". Sở dĩ con bé nói
vậy vì chị luôn dặn cháu: “Con đừng đòi mẹ mua đồ ăn nhé, nếu có tiền
mẹ sẽ tự mua cho con. Con đòi mà mẹ không có tiền thì mẹ sẽ đau lòng
lắm…”. Và con bé đã nghe lời mẹ, dù thèm nhưng không dám đòi mẹ mua, mà
chỉ diễn tả là "ngửi thấy".
Nghị lực của chị khiến tôi hết sức khâm phục. Chị tôi
là người xinh đẹp và khá giỏi, nên nhiều người đến tìm hiểu, nhưng chị
đã ở vậy nuôi con suốt 18 năm. Thời gian sau này, chị sang Mỹ thì phát
hiện bị ung thư, vừa làm ăn, vừa chữa bệnh. Một thân một mình vừa làm
ăn, vừa nuôi dạy con, vừa chống chọi với bệnh tật, khi ấy chị gầy ốm
lắm. Chị phải vào bệnh viện, gần như thập tử nhất sinh, bác sĩ nói có
thể chỉ sống được 3 – 6 tháng, mà không có bất cứ người thân nào bên
cạnh. Tôi cũng chỉ sang thăm rồi về.
Công ty của chị bên đó chỉ có một người Việt Nam mà
chị mới nhận vào làm, vì ông này thất nghiệp và vợ mới bỏ. Trong những
ngày tháng chị vật lộn với bệnh tật thì ông ấy tự nguyện chăm sóc. Vì
tình nghĩa đó mà sau này khi qua cơn hiểm nghèo, chị đã mang ơn và nhiều
năm sau đồng ý kết hôn… Rất tiếc là đã mắc sai lầm. Ông ta đã gây nhiều
đau đớn cho chị và đến giờ chị lại chịu điều tiếng về người đó. Cuộc
sống thật khắc nghiệt và không công bằng với chị Yến.
Sau bao năm lặn lội nơi đất khách quê người để học làm
kinh doanh, công ty của chị đã xây dựng và đặt tên nhiều con đường
trong các khu dân cư tại Mỹ do mình phát triển. Ngay khi sống và kinh
doanh tại Mỹ chị vẫn luôn khắc khoải một nỗi lòng hướng về quê hương và
mong muốn giúp cho người Việt Nam được mua nhà, đưa con sang Mỹ học tập.
Trở về Việt Nam, chị chọn con đường kinh doanh bằng cách phát triển các khu công nghiệp,
dù đây là con đường khó khăn, lợi nhuận rất thấp không như những khu đô
thị mới. 1m2 đất khu công nghiệp như Tân Đức khởi đầu chỉ có 460.000
đồng và đến nay mới được 1,2 – 1,6 triệu. Hoàn toàn lỗ, nhưng thật sự
khu công nghiệp đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã
hội, biến đổi cả một vùng đất ngập mặn, nghèo khó thành những khu công
nghiệp và đô thị sinh động, sầm uất…
Với chị Yến, lợi nhuận không phải là mục tiêu đầu tiên
và bắt buộc phải có trong kinh doanh, chỉ cần trong lòng tràn đầy niềm
vui khi chứng khiến hàng chục nghìn người mỗi sáng đổ về khu công nghiệp
làm việc, từ đó làm cuộc sống của biết bao gia đình, bao con người được
tốt hơn... là thành công. Quan điểm của chị Yến trong kinh doanh là
phải đem lại giá trị cộng hưởng cho xã hội.
Chị Yến là người cá tính cực mạnh, chị ấy luôn phản
ứng trực diện, và không khoan nhượng. Lúc nào cũng muốn đúng sai rõ ràng
mà đôi khi cuộc sống không phải lúc nào cũng rõ ràng như thế. Ở nhà bất
kỳ tranh luận gì, chị luôn đi đến cùng chứ không chịu khuất phục, không
hôm nay thì ngày mai phải chứng minh bằng được, chúng tôi thì thường
phải chịu thua.
Về doanh nghiệp, chị Yến có quyết tâm rất lớn và mạnh
mẽ, thực lòng tôi thường không nghĩ được đến mức chị nghĩ, và cũng không
dám làm những gì chị làm. Ví dụ như đi Mỹ mà làm dự án lớn thì tôi sợ
lắm. Ngày bắt tay làm khu công nghiệp Tân Tạo, chị Yến giao làm Tổng
giám đốc, lúc đầu tôi sợ không dám nhận mặc dù trước đó chị Yến cho tôi
đi Australia học. Đến khi chị bảo em cứ làm đi, mất tiền chị chịu, tôi
mới dám làm và thật may mắn là đã thành công.
Tôi học tập được nhiều từ thời gian làm việc ở Tân
Tạo, nên sau này tôi và nhiều bạn bè tổ chức công việc kinh doanh riêng,
thành công ty công chúng niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông, nhưng
người ta vẫn gọi tôi là Tâm Tân Tạo.
Tôi cho rằng chị Yến là người tốt, có cái tâm và
thương lo cho mọi người. Có lẽ là chị cả nên đã phải lo toan cho ba mẹ, 3
người em rồi sau này một mình gánh vác cả gia đình, mà nhà lại nghèo
nữa. Đến nay khi chị khá thành công, cả hai cô con gái đều viết thư nhờ
luật sư làm xác nhận không nhận thừa kế của mẹ. Hai cô nói: Mẹ đã cho
con ăn học thành người, ngày xưa mẹ còn không được học như con mà còn
làm được thế, chúng con đã được học ở nước ngoài nên sẽ tự làm và sẽ hơn
cả mẹ.
Chị đã hiến hết tài sản của mình cho trường Đại học
Tân Tạo và nguyện phấn đấu để xây dựng trường ngày càng tốt hơn, để
chuyên đào tạo nhân tài cho Việt Nam, với sự tài trợ tiền bạc của chị.
Tuy vậy, do cá tính quá mạnh mẽ, lại không biết dung
hòa, như người ta nói đôi khi phải biết thỏa hiệp, nên chị cũng gặp lắm
gian truân. Và do cách nghĩ có thể đôi khi cực đoan, luôn cho rằng cách
mình nghĩ là đúng, nên hành động theo mà không nhận thấy rằng xã hội rất
nhiều cách nghĩ.
Câu chuyện khai man lý lịch hiện nay chẳng hạn, có lẽ cũng là tai nạn mà người bình thường chúng ta khó tránh hết. Tôi
thực sự cũng không biết chị ấy đã vượt qua cú sốc này chưa, vì chị Yến
đã quen một mình chịu đựng đau khổ rồi, tự lo toan để những người xung
quanh không phải lo lắng cho mình. Gia đình chúng tôi có lẽ cũng khá đặc
biệt. Hầu hết mọi người đều không thích động viên nhau. Có lẽ cả thời
ấu thơ vất vả, và cả cuộc sống không thuận lợi đã làm chúng tôi chai lì
(như người Nam Bộ nói là lì lợm).
Hầu hết xã hội đều nghĩ chúng tôi khá thành công, tuy
vậy, mặt trái của sự thành công đó là gì không phải ai cũng thấu hiểu
ngoài người thân và bạn hữu. Tôi chỉ mong rằng được thay thế chị tôi
chịu hoàn cảnh thế này, vì đàn ông chịu đựng sẽ tốt hơn. Đối với gia
đình chúng tôi, nỗi đau này không phải của mình chị Yến mà là cả gia
đình, và người mà chúng tôi cần động viên nhất chính là ba mẹ.
Tôi nghĩ tổ chức luôn đúng và cá nhân mình cần điều
chỉnh để phù hợp, tất nhiên cứ mạnh dạn đóng góp, nhưng tinh thần là
tuân thủ để bản thân mình cũng tốt lên. Vấn đề trọng yếu là dù bất kỳ vị
trí và cương vị nào cũng đóng góp cho thật tốt. Tôi tin rằng Quốc hội
là cơ quan quyền lực cao nhất và các đại biểu Quốc hội là những người
đầy đủ trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực sẽ quyết định.
Tôi đã ứng cử đại biểu Quốc hội và rớt hai lần, nhưng
tôi vẫn cố gắng làm tốt công việc của mình và quyết tâm thực hiện chương
trình hành động đã hứa. Tôi tin chị Yến cũng vậy, dù không còn được Mặt
trận Tổ quốc tín nhiệm, dù là rất buồn, nhưng chị vẫn sẽ đóng góp thật
tốt, sẽ chứng minh bằng hành động và việc làm cụ thể của mình.
Và nói thật, đã là con người ai cũng có cái tốt, cái
xấu và cái chưa được. Chị Yến cũng như bao người khác, có khuyết điểm và
có những việc làm tốt. Vấn đề là chúng ta biết tiếp thu và điều chỉnh
mà thôi.
Có điều chắc chắn là gia đình chúng tôi cũng như chị Yến không khai man thông tin để trục lợi.
Đặng Thành Tâm
Ngôisao.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.