Đại biểu Hoàng Yến 'xin từ nhiệm'
Cập nhật: 14:41 GMT - chủ nhật, 6 tháng 5, 2012
Báo Thanh Niên cho hay đại biểu Quốc hội khóa XIII Đặng Thị Hoàng Yến đã 'nộp đơn xin từ nhiệm'.
Hôm Chủ nhật 6/5, Thanh Niên nói bà Yến đã xác nhận điều này trong email gửi tới tòa báo.Lý do để đi tới quyết định xin từ nhiệm của bà được nói là vì bà Yến "đã thật sự kiệt sức, đã quá mệt mỏi".
Trước đó, việc đề nghị Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội thông qua bỏ phiếu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được bàn tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội hôm 5/5.
Tuy nhiên, các báo trong nước không nhất quán về kết quả của cuộc họp. Báo Thanh Niên nói kết quả chưa được công bố, trong khi báo Tuổi Trẻ nói việc xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Yến đã được nhất trí đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIII, sẽ khai mạc ngày 21/5 tới.
'Không trung thực'
Trước khi Thường vụ Quốc hội bàn về trường hợp của bà Yến, Mặt trận Tổ quốc đã đề nghị bãi miễn tư cách đại biểu của bà vì đã có sự "không trung thực" trong khai báo lý lịch, như về tư cách Đảng viên cũng như việc ly hôn người chồng Việt kiều.Trong email gửi tới BBC hôm 22/4, bà Đặng Thị Hoàng Yến nói bà sẵn sàng chấp nhận quyết định bãi nhiệm nếu Quốc hội, cơ quan đại diện của người dân đi theo hướng này.
Bà Yến là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Tạo, và là một trong những doanh nhân được coi là thành đạt nhất ở Việt Nam.
Bà vẫn phủ nhận các cáo buộc gian lận và nói bà đã bị "một số kẻ có dụng ý xấu bôi nhọ, hành hạ, sỉ nhục".
Trong thư gửi tới BBC bà khẳng định: "Tôi vẫn là một con người có trái tim và khối óc, có nhân cách và biết sống hết mình cho công việc, tôi cũng tin rằng mình là một Đại biểu có trách nhiệm, có bản lĩnh và có dũng khí".
"Dù thời gian ngắn ngủi tham gia vào Quốc hội, tôi cảm thấy không hổ thẹn với chính mình và đã không phụ lòng tin của cử tri."
Đàm Mai Đạo
Trả lờiXóaUBMTTQ Việt Nam nhất trí 100% việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH bà Đặng Thị Hoàng Yến trở nên quá vội vàng và võ đoán. Theo Điều lệ ĐCSVN:Điều 8:1. Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xoá tên trong danh sách đảng viên.
Theo đó, bà Yến tuyên bố tự thấy mình không còn là một đảng viên là hoàn toàn chính xác và hoàn toàn trung thực khi trả lời trước công luận. Ứng xử với bà Đặng Thị Hoàng Yến như thế chứng tỏ UBMTTQ và báo chí đã thiếu công bằng và khách quan với cá nhân bà.
Mặt khác, theo trang anhbasam, báo “Người Cao Tuổi” và báo “Cựu Chiến Binh Việt Nam” có đơn kiến nghị “v/v xem xét tư cách đại biểu Quốc hội” gửi cho các cấp cao nhất như: UBTVQH, ông Nguyễn Phú Trọng – TBT, Ông Nguyễn Sinh Hùng – CTQH, ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng CP và Chủ nhiệm UBKTTWĐ. Nếu hai trang báo “có tuổi” này tỏ ra là những tờ báo “đáng kính” sao không khách quan hơn khi thêm vào nơi gửi có cả Ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước? Liệu nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng đang có một sự đấu đá quyết liệt giữa các phe nhóm là đúng? Đây dường như là “cuộc thư hùng” giữa các phe nhóm mà bà Yến trở thành nạn nhân bất đắc dĩ với việc “nâng quan điểm” bà về tư cách “khai man” hay tên gọi “không trung thực”?
Xét dưới góc độ đời tư cá nhân bà cùng người chồng Việt kiều đang bị lệnh truy nã, cũng không thể nói gì khác, ngoài cụm từ “ngồi lê đôi mách” của dư luận và báo chí – cho đến khi có kết quả điều tra về việc này và nếu đầy đủ chứng cớ để đưa ông Jimmy Trần (kể cả) bà Yến ra trước vành móng ngựa – lúc đó cũng không thể nói bà “không trung thực”, bởi tuyệt đại đa số tội phạm đều không bao giờ khơi khơi tự nhận mình phạm tội. Đó là trách nhiệm của cơ quan an ninh với cụm từ quen thuộc trong các trang báo CAND, CATp.HCM v.v… – “qua đấu tranh khai thác, đối tượng đã khai nhận…”
Đừng đánh tráo khái niệm “trung thực” cùng với việc “nghi ngờ” và buộc bà Yến phải phơi tất tần tật từng chân tơ kẽ tóc đời sống riêng tư của bà. Đó là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân.Mọi việc “um sùm” về bà Đặng Thị Hoàng Yến với tư cách “Đại biểu Quốc hội” chẳng qua là trò đánh nhau càng chứng tỏ tư cách đạo đức giả của những ai đang nhúng tay vào vụ này.Nhân danh nhân dân để đòi bà Yến “trung thực” khi bà không khai đã từng là Đảng viên cũng như đời tư của bà như người dân mong mỏi, chẳng qua là sự ngụy biện và lợi dụng chữ “nhân dân” để tìm kiếm số đông và định hướng dư luận thiếu trong sáng. Đó phải chăng là trò “kết án bằng dư luận” – một hình thức “kết án” của thời trung cổ – “ném đá” nạn nhân cho đến chết chỉ vì không làm số đông thỏa mãn dưới góc nhìn mà họ cho là ” phi đạo đức”?! Đã có cuộc điều tra xã hội học nào để hỏi xem dân đang thật sự muốn gì, cần gì chưa? Người dân đang cần gì ở các đại biểu Quốc hội hơn là những việc làm thiết thực phục vụ cho dân, cho nước như: đời sống đói kém, kinh tế lay lắt, đất nước nguy ngập trước nạn tham nhũng cũng như chủ quyền biển đảo bị cướp và vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng từ phía Trung Quốc ???.
Tôi tin đa số người dân đang “đầu tắt mặt tối” để lo chén cơm hàng ngày trong thời buổi “gạo châu củi quế” như thế này, chẳng còn rảnh đến mức ném “vàng bạc” vào việc “quan tâm sâu sắc” bà Yến có hay không là đảng viên ĐCSVN, bà Yến ly hôn chồng hay không v.v… Những phỉ báng, tấn công cá nhân bà Yến từ các cây viết thọc mạch đời tư không khác gì những bài báo soi mói, chĩa mắt vào tới tận giường ngủ của các ngôi sao giải trí.
Nhân cách những ai đang tấn công bà Đặng Thị Hoàng Yến là gì? Ngay cả cấp lãnh đạo cao nhất?Người dân đang lo đói kém, xăng tăng giá vô tội vạ, tham nhũng ngập đầu đất nước v.v…, cũng như đau buồn trước mạng sống ngư dân không an toàn trên biển hơn là xem “thân thể” bà Yến có bao nhiêu vết sẹo!
Hãy dừng những trò đấu đá rẻ tiền ngay!