Cập nhật: 16:16 GMT - thứ tư, 30 tháng 5, 2012
Vài tuần trước ngày Báo
chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một cuộc khẩu chiến nổ ra giữa một số báo
trong nước về điều được gọi là 'lá cải' trong làng báo Việt Nam.
Nhưng cũng có những người lý luận rằng tại Việt Nam chưa có thứ gọi là báo lá cải.Câu chuyện cũng có thể phản ánh 'cơn giật mình' trong xã hội Việt Nam về đạo đức khi các chuẩn mực đều lệch kim.
Vậy báo lá cải có từ khi nào, thế nào là 'lá cải' và có phải cứ 'lá cải' đã là tiêu cực?
Theo Phó Giáo sư Frank Esser từ Institut fuer Publizistik thuộc Đại học Johannes Gutenberg, Đức, mặc dù nhen nhóm ở Hoa Kỳ trong những năm 1890 với phong trào báo hạ cấp Yellow Journalism, sự hình thành toàn diện của báo lá cải bắt đầu ở Anh năm 1903 khi Lord Northcliffe lập ra tờ Daily Mirror và biến nó thành báo lá cải bán chạy nhất.
Từ tiếng Anh của lá cải, tabloid, được xem là xuất phát từ một thương hiệu dược phẩm chỉ loại thuốc được cô lại thành viên hay viên con nhộng.
Irving Fang, tác giả cuốn Lịch sử Truyền thông Đại chúng: Sáu Cuộc Cách mạng Thông tin, nói tính gây nghiện và dễ nuốt của thuốc đã được chuyển sang cho truyền thông vào hồi đầu thế kỷ 20 khi người ta dùng từ tabloid để chỉ báo khổ nhỏ A3 vốn dễ đọc trên tàu điện ngầm và xe buýt so với báo khổ lớn A2.
Các báo lá cải có cùng xu hướng tập trung khai thác scandal, tội phạm, người nổi tiếng và 'buôn chuyện'. Anh quốc được coi là nước có sự phân biệt rõ ràng nhất giữa báo lá cải và báo chính thống, những tờ báo mà trong những năm gần đây cũng đã chuyển từ khổ A2 sang A3 với phương châm 'vẫn tờ báo đó, vẫn những câu chuyện đó, chỉ có khác khổ'.
"[lá cải hóa là] sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal."
Marvin Kalb, giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard
Ông Esser dẫn lời Marvin Kalb, giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard định nghĩa 'lá cải hóa' là "sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal."
Phó giáo sư Esser cũng dẫn lời ông Howard Kurtz, tác giả cuốn Media Circus - The Trouble with America's Newspapers (Gánh xiếc Truyền thông - Rắc rối của Báo Mỹ) nói sự 'lá cải hóa' đồng nghĩa với việc chuẩn mực báo chí sụt giảm, tin tức thời sự như chính trị và kinh tế vắng bóng và sự gia tăng các tin giải trí như các chủ đề nhớp nhúa, scandal, giật gân và tiêu khiển.
Đối với truyền thông tự do ở Hoa Kỳ, nó cũng có nghĩa là sự thay đổi trong cách truyền thông định nghĩa những gì mà họ cho rằng cử tri cần biết để đánh giá khả năng phù hợp của ứng viên chính trị.
Chất lượng và 'đại chúng'
Các chuyên gia nghiên cứu báo chí cũng chỉ ra rằng thuật ngữ 'lá cải' quá rộng, không chính xác và có nhiều hàm ý chỉ giá trị trong đó.
Họ cũng nói sự phân biệt giữa báo lá cải và báo chính ngạch không phải khi nào cũng rạch ròi.
Stephen Harrington, Giảng viên Đại học Công nghệ Queensland, Australia, khái quát các đặc điểm của báo lá cải, mà ông cũng gọi là báo 'đại chúng' và báo chính ngạch, hay báo 'chất lượng'.
Các giá trị của báo 'chất lượng' và đại chúng
Đại chúng | Chất lượng |
Khổ nhỏ (Lá cải) | Khổ lớn |
Giải trí | Thời sự |
Vô giá trị | Giá trị |
Cá nhân | Chính trị |
Riêng tư | Công chúng |
Văn hóa đại chúng | Văn hóa thượng lưu |
Cảm xúc | Lý trí |
Kiến thức sơ đẳng | Kiến thức chuyên sâu |
Người nổi tiếng | Trí thức |
Người tiêu dùng | Công dân |
Vụn vặt | Nghiêm túc |
Nữ tính | Nam tính |
Lợi nhuận | Dịch vụ |
Chính trị vi mô | Chính trị vĩ mô |
Muốn | Cần |
Báo chạy theo xu hướng lá cải ở Việt Nam có gần như đủ 15 đặc tính của báo đại chúng, chỉ trừ có 'chính trị vi mô', điều có thể được xem là cấm kỵ.
Chính trị vi mô ở đây có thể hiểu là nhìn vào những nét đời thường của đời sống chính trị và cá nhân hóa các chính trị gia.
Đây có thể là chuyện các chính trị gia thích ăn gì, chơi gì, nghỉ ngơi ra sao hay giải trí như thế nào.
Những chủ đề này đặc biệt phổ biến tại Anh, quê hương của báo lá cải nơi công thức thành công của tài phiệt Rupert Murdoch là tập trung vào sex, nhất là sex mang vị xì căng đan và liên quan tới người nổi tiếng, chẳng hạn thành viên Hoàng gia hay các ngôi sao.
Bản thân công chúng Anh cũng cảm thấy báo lá cải tại Anh bị tuột cương. Hơn 50% người Anh có ý kiến như vậy về báo lá cải và 40% có cùng suy nghĩ về báo chí nói chung.
Ngay cả trong thế giới tư bản, xu hướng lá cải tại các nước cũng khác nhau. Chẳng hạn báo chí Đức ít 'moi móc' đời tư của chính trị gia hơn báo Anh.
Theo Phó Giáo sư Esser, Nhà nghiên cứu người Đức Hans Mathias Kepplinger đã nghiên cứu báo chí 'chất lượng' của Đức trong 45 năm, từ 1950-1995 và đưa ra năm 'công thức' viết tin, bài khác nhau:
- 1. Bài vở đưa những gì thực sự xảy ra hay sự đồn đoán.
- 2. Lạc quan hay bi quan.
- 3. Cân bằng hay thiên lệch.
- 4. Lý trí hay cảm xúc.
- 5. Xì căng đan hay không xì căng đan.
'Gần gũi' công chúng
Thế nhưng có phải báo lá cải đồng nghĩa với sự xấu xa?
Một số nhà nghiên cứu không nghĩ như vậy.
Họ cho rằng nhiều người phản đối báo lá cải dựa trên lập trường phản văn hóa đại chúng truyền thống của họ.
Giáo sư David Rowe của Đại học Western, Australia, cho rằng các vấn đề của cuộc sống hàng ngày luôn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử loài người.
Báo lá cải cũng thúc đẩy những nét văn hóa khác với văn hóa thượng lưu và thách thức cái gọi là 'bá chủ văn hóa' trong xã hội.
Nó cũng có thể kéo chính trị lại gần với công chúng và khuyến khích nhiều độc giả tham gia vào đời sống chính trị vốn thường khô khan trên báo chính ngạch.
Tại Việt Nam, giải trí là cửa ngách để người ta bước chân vào làng truyền thông vốn bị kiểm soát chặt chẽ.
Cho dù vô tình hay cố ý, các quan chức quản lý báo chí có vẻ xem các ấn phẩm tiêu khiển và giải trí là vô hại về chính trị và không thực sự để tâm tới mảng này.
Nhưng trong 'cuộc chiến' lá cải hiện nay, một số quan chức đã nhắc lại thông điệp 'định hướng dư luận' và người ta có thể tưởng tượng ra một nền báo chí lá cải 'theo định hướng xã hội chủ nghĩa'.
Đây sẽ là nét rất Việt Nam bởi tại quê hương của báo lá cải, các tờ báo như Bấm Sun hay Bấm Daily Mirror chỉ quan tâm tới việc bán các 'tròng mắt' cho những công ty quảng cáo và độc giả được coi trọng chỉ vì họ gián tiếp mang lại miếng cơm manh áo cho những người làm báo và chủ báo.
Ở VN về nguyên tắc chẳng có tờ báo nào được cấp phép để trở thành một tờ báo lá cải - Đó là nguyên tắc đầu tiên của Ban Tuyên giáo TW! Vậy mà hãy xem con số sau đay:
Trả lờiXóaHàng ngày Tổng hợp từ hơn 900 ấn phẩm, 34 báo điện tử, 67 đài phát thanh của 728 cơ quan báo chí thì sẽ thấy: Thực sự đang có nhiều bất ổn tiềm ẩn bên trong: Có đến 30-40% đăng tải về chém giết, vụ án rùng rợn, vụ án, lừa đảo, đổ vỡ tín dụng... tần suất viết về tiêu cực chiếm khoảng 60%... Nếu chỉ căn cứ trên báo chí thì thấy rằng: cái tốt hình như ngày càng ít đi, Scandal, giật gân ngày càng nhiều, thậm trí nhiều vụ chém giết được miêu tả tạo cảm giác như những anh hùng, các giá trị đạo đức hình như đang bị đảo lộn.... (Con chuột luôn thắng con mèo!!!)... Vậy thì ai là báo lá cải? Ai chạy theo đồng tiền để làm báo một cách vô lương tâm???? Câu trả lời dành cho bạn tự rút ra!