Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

'Việt Nam hạ lãi suất không hề nhanh'


- Trái ngược hẳn với các khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, giảm lãi suất như hiện nay không hề nhanh. Mức đề doanh nghiệp sống được phải dưới 10%.

Lãi suất phải xuống dưới 10%
- Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng việc hạ lãi suất như ở Việt Nam là quá nhanh, sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Ông có đánh giá thế nào về điều này?
Ông Bùi Kiến Thành: Không hề nhanh chút nào, giảm lãi suất như hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế. Vì chúng ta vẫn đang vất vưởng với lãi suất hai mươi mấy phần trăm là lãi suất chết, hủy diệt hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam. Mức lãi suất đó là vũ khí cực kỳ nguy hiểm cho kinh tế Việt Nam. Không thể nào cho phép ai dùng vũ khí đó để tiêu diệt nền kinh tế Việt Nam được.
Trong nghiên cứu về tình hình sức khỏe doanh nghiệp vừa rồi, người ta nói đa phần doanh nghiệp chết là doanh nghiệp ảo, nói thế là không có cơ sở. Doanh nghiệp xấu tốt gì cũng chết cả với cái mức lãi suất cao như vừa qua. Không doanh nghiệp nào tồn tại được, dù lớn, dù nhỏ với lãi suất hai mươi mấy phần trăm.
- Thưa ông, lộ trình giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ giảm chỉ 1 điểm phần trăm một lần giảm nhưng ông
Chuyên gia kinh tế Bùi  Kiến Thành (ảnh: P.H)
nghĩ thế nào về việc ngân hàng hoàn toàn có thể giảm lãi suất với biên độ giảm hơn mức đó? Tôi không đồng ý với cách quản lý lãi suất của Ngân hàng Trung ương như thế. Ngân hàng Trung ương phải biết nền kinh tế cần dùng cái gì, doanh nghiệp cần lãi suất tới mức bao nhiêu thì có thể hoạt động được.
Tôi kiến nghị trong bối cảnh này, lãi suất phải hạ về dưới 10% mới có ích giúp cho doanh nghiệp tồn tại. Việc này nằm trong phận sự, trách nhiệm, quyền hạn của Ngân hàng Trung ương.
Bên cạnh các lời khuyên của các tổ chức, chuyên gia nước ngoài, chúng ta phải tận trọng, chủ động xem nền kinh tế  của ta cần dùng cái gì là thích hợp nhất, doanh nghiệp cần tới mức lãi suất bao nhiêu?
Nếu như  doanh nghiệp bảo lãi suất cần dưới 10%, nếu tôi là Ngân hàng Trung ương, tôi có quyền đưa ngay lãi suất dưới 10% để doanh nghiệp hoạt động.
Nếu chúng ta chần chừ, doanh nghiệp chết hết. Doanh nghiệp chết hết rồi thì không sống lại được. Nền kinh tế có sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp chết thì không có sản xuất, không có tiêu thụ. Ngân hàng ôm một khoản vốn lớn, nhưng lãi suất cao, ai đi vay bây giờ.
Doạnh nghiệp mà chết thì ngân hàng cũng chết. Đến lúc không ai vay, ngân hàng ôm vốn đó phải trả lãi suất cho huy động, cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.Quản lý lãi suất không phù hợp có thể gây ra hệ lụy đó.
Việc hạ lãi suất này không cần chờ đợi vấn đề hạ lãi suất của hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng có thể dùng huy động vốn với lãi suất cao đó để tài trợ cho lĩnh vực nào chịu được, doanh nghiệp không thể nào chịu đựng lãi suất cao đó. Không thể nào bắt doanh nghiệp vì quyền lợi của hệ thống ngân hàng mà hạ lãi suất từ từ được.
- Thưa ông, nhưng hạ lãi suất thấp quá, các cơ quan quản lý sẽ lo ngại lạm phát tăng cao trở lại, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế?
Người ta lo ngại hạ lãi suất xuống 6-7% cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới lạm phát. Không có đâu. Vì chúng ta đã có không chế tăng trưởng tín dụng rồi thì làm gì có vấn đề lạm phát nếu lãi suất thấp.
Nếu lãi suất thấp, cùng với tăng trưởng tín dụng nóng, quá cao thì mới xảy ra lạm phát. Ở đây, ta đã hãm tăng trưởng tín dụng thì chúng ta cho vay lãi suất nào cũng không tạo ra vấn đề lạm phát được.
- Ngân hàng vẫn báo lãi dù tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Các ngân hàng cần hi sinh lợi nhuận của mình để tăng trưởng tín dụng lên, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi thực sự không yêu cầu ngân hàng làm gì nếu không muốn làm. Nếu tôi là ngân hàng Nhà nước, tôi đặt ra mặt bằng lãi suất 7-8%, tôi có nguồn vốn vô hạn định, tôi có thể cho các ngân hàng thương mại vay 3-4% và nói với họ hãy cho doanh nghiệp vay 7-8%. Tôi là nguồn cung cấp vốn cho ngân hàng thương mại cơ mà, có đi ngược lại quyền lợi đó đâu.
Còn anh huy động vốn mười mấy phần trăm là lỗi của anh. Anh phải tự giải quyết việc đó, Ngân hàng Nhà nước có bao giờ thúc giục anh huy động cao như thế đâu. Trong chương trình này, ngân hàng thương mại có thể đi đăng ký, có thể nhận tiền của Ngân hàng Nhà nước cho vay. Khi đó, lãi suất trên thị trường sẽ bớt áp lực, tự hạ xuống, ngân hàng sẽ hoạt động tự trở lai bình thường, chứ không vô kỷ luật như mấy năm vừa rồi.
Phải khoanh nợ cũ, tạo cơ chế vay mới
- Thưa ông, tăng trưởng tín dụng cho cả năm được phép tăng 15-17% nhưng 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Một trong những nút thắt mà doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng là do nợ xấu cao. Theo ông, làm thế nào để cải thiện tình hình này, doanh nghiệp vay được vốn?
Tiền thì có mà không cho vay được. Lãi suất huy động quá cao nên không cho vay thấp. Thế thì, ngân hàng có thể phải chịu lỗ, cho vay thấp đi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là khả năng tiếp thụ của doanh nghiệp hiện nay là kém. Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Doanh nghiệp đã kiệt sức không có tài sản thế chấp nữa thì ngân hàng phải xem xét điều kiện cho vay không phải dựa trên tài sản thế chấp. Tôi ví dụ như các ngân hàng có thể cho vay dựa trên dự án cụ thể, như dự án có khả thi không, có hiệu quả và tạo ra được lợi nhuận không.
Trước đây, các ngân hàng toàn cho vay theo kiểu không cần biết doanh nghiệp vay làm gì miễn có tài sản thế chấp. Rõ ràng, các ngân hàng đã không kiểm tra được luồng vốn. Phải cho vay theo dự án và giám sát theo tiến độ dự án để đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên.
- Thưa ông, các ngân hàng vẫn không cho vay là vì rủi ro ở các dự án này, lý do này có thể chính đáng. Ông nghĩ sao?
Đúng là ngân hàng quản lý rủi ro, không thể cho vay những dự án không đảm bảo được khả thi, doanh nghiệp sẽ phải trình bày thuyết phục được ngân hàng.
Vấn đề ở đây là kẹt ở những quy định về pháp luật. Bây giờ ngân hàng đang kẹt trong thế nhiều doanh nghiệp đang có nợ quá hạn, nợ xấu. Luật pháp không cho phép ngân hàng cho vay tiếp và ngược lại, những doanh nghiệp này cũng không được vay tiếp. Nhà nước cần phải xem lại điều này, phải coi lại quy chế khoanh nợ, giãn nợ để vẫn tạo ra điều kiện cho nhóm doanh nghiệp này vẫn tiếp tục vay được để duy trì hoạt động. Ngân hàng Nhà nước cần tạo cơ chế mới để tạo đà phát triển, chứ tín dụng không có thì không thể nào phát triển được.

Bên lề phiên họp Quốc hội hôm 29/5, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội chia sẻ về vấn đề này, cho biết: "Các tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta hạ từ từ tốc độ lãi suất thôi để tránh sốc. Nhưng mà tất cả các biện pháp đó phải phụ thuộc vào thực tế nền kinh tế nước ta. Đến giờ phút này, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu cho thấy đảm bảo hạ được lãi suất Khách quan cho thấy, nếu không hạ lãi suất thì hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Chúng ta phải tính bài toàn hài hòa giữa việc hạ lãi suất và để tạo sức sống mới cho hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Bốn tháng đầu năm nay, số lượng các doanh nghiệp thành lập vẫn trừ đi các doanh nghiệp bị phá sản, đăng ký tạm ngừng hoạt động vẫn dương hơn 10.000 doanh nghiệp. Tốc độ thành lập doanh nghiệp vẫn dương, là một điểm sang thì chứng tỏ môi trường vĩ mô của ta đang dần ổn đinh, chứ tôi chưa dám nói là ổn định rồi.
CPI đang từ từ đi xuống, 3 tháng nay đều dao động dưới 1%. Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đang ở mức này và có nới lỏng ra thì như vậy, vừa đạt yêu cầu hạ lãi suất, lại hỗ trợ được doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.