Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Chiến lược mới của Mỹ ở Đông Nam Á


Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ định hướng vào việc gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương bằng cách xây dựng các liên minh quốc phòng với các quốc gia trong khu vực này.
 Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có chuyến thăm một loạt quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nằm ở vành đai Thái Bình Dương. Nằm ở khu vực này còn có nhiều đảo quốc.
Leon Panetta hài lòng về cuộc gặp với các đồng nhiệm và kết quả diễn đàn ở Singapore. Ảnh: Reuters
Khi có mặt ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo, gần 60% hạm tàu của Hải quân Mỹ sẽ trú đóng tại Thái Bình Dương. Ông Panetta cũng cho biết, Mỹ dự định không chỉ tăng quân số Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và thay thế các hạm tàu cũ và hết hạn sử dụng, mà còn trang bị cho chúng các trang thiết bị hiện đại.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đơn giản chỉ thông báo việc tiến hành các biện pháp mà Nhà Trắng đã quyết định theo văn kiện chỉ đạo chiến lược quốc phòng (chiến lược quốc phòng mới) của Bộ Quốc phòng Mỹ được công bố vào đầu năm nay có tên chính thức là “Duy trì sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Những ưu tiên quốc phòng trong thế kỷ XXI” (Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense” .

Những phương châm chiến lược mới của Lầu Năm góc

Trong bức thư của Tổng tư lệnh quân đội, Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi cùng văn kiện nói trên của Nhà Trắng có nói rằng, trong văn kiện đã chỉ rõ những ưu tiên chiến lược mới của Lầu Năm góc trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong đó, sự hiện diện quân sự của các lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương được đặc biệt chú trọng.

Từ cuối năm 2011, khi phát biểu tại nghị viện Australia, ông Obama đã tuyên bố rằng, sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương là “ưu tiên cao nhất” của chính sách bảo đảm an ninh quốc gia Mỹ. Ông Obama nói với các nghị sĩ Australia rằng, nước Mỹ “là một cường quốc Thái Bình Dương” và có ý định ở lại khu vực này lâu chừng nào còn cần thiết.
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, việc cắt giảm chi phí quân sự theo kế hoạch không được ảnh hưởng đến việc tăng cường sức mạnh và hoạt động của quân đội Mỹ ở khu vực này. Bắc Kinh không hề tỏ ra thích thú gì với ý tưởng này của Nhà Trắng, bởi lẽ bản thân Trung Quốc cũng đang muốn giành quyền lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương.

Văn kiện chỉ đạo chiến lược quốc phòng có một mục nói về chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Văn kiện nhấn mạnh rằng, các lợi ích kinh tế và chiến lược của Nhà Trắng gắn bó không tách rời với tình thế hình thành ở khu vực này. Do đó, quân đội Mỹ, trong khi tiếp tục bảo đảm an ninh toàn cầu, trong chiến lược của mình, cần đặc biệt chú ý đến châu Á-Thái Bình Dương, bố trí ở đây một bộ phận nhất định của Hải quân Mỹ và tập trung các nỗ lực theo hướng bảo đảm sự hợp tác tích cực hơn với các đồng minh và đối tác ở khu vực này nhằm bảo đảm sự ổn định tình hình cần thiết trong khu vực.

Washington cho rằng, Mỹ cần liên tục mở rộng hợp tác với tất cả các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để tạo lập một hệ thống hiệu lực bảo vệ các lợi ích của nhau. Theo các phương châm chiến lược mới, Nhà Trắng dự định tiếp tục tiến hành mọi biện pháp cần thiết và đầu tư các khoản kinh phí cần thiết để củng cố các quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ. Theo các chính trị gia Washington, điều đó sẽ cho phép tạo ra các điều kiện thuận lợi để tạo lập vị thế của Delhi như một thủ lĩnh kinh tế và người bảo đảm an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trong văn kiện chỉ đạo chiến lược quốc phòng có nêu, Mỹ cần phải làm mọi thứ phụ thuộc vào mình để duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên bằng cách tổ chức sự hợp tác hiệu quả của các đồng minh của Mỹ với các nước khác. Điều đó, theo Nhà Trắng, sẽ cho phép bảo vệ Hàn Quốc và các nước khác ở khu vực này trước những sự khiêu khích từ phía CHDCND Triều Tiên, quốc gia đang tiếp tục tiến hành ráo riết chương trình hạt nhân.

Trong văn kiện cơ bản này có xem xét vấn đề quan hệ và hợp tác của Washington và Bắc Kinh. Trong đó có nói rằng, trong một thời gian dài, Trung Quốc đang có những nỗ lực lớn để tạo lập vị thế của mình như một cường quốc khu vực, điều mà trong tương lai ở mức độ nhất định có thể ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế của nước Mỹ và an ninh quốc gia Mỹ.

Văn kiện chỉ đạo chiến lược có nói, Trung Quốc và Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực hoạt động này. Tuy nhiên, theo Nhà Trắng, sự gia tăng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh phải đi cùng với sự công khai, minh bạch lớn các phương châm chiến lược của họ, điều có thể sẽ giúp ngăn chặn khả năng phát sinh những rạn nứt giữa các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

Do tầm quan trọng lớn của châu Á-Thái Bình Dương đối với nền kinh tế Mỹ và các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ vốn có thể xuất phát từ khu vực này, giới lãnh đạo Mỹ dự định áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm quyền tiếp cận của quân đội Mỹ tới lãnh thổ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tự do hành động ở đó theo các cam kết hiệp ước và các quy định của luật pháp quốc tế. Văn kiện chỉ đạo chiến lược quốc phòng nêu rõ, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và các nước thân hữu ở châu Á-Thái Bình Dương và sẽ làm tất cả mọi việc cần thiết để bảo đảm duy trì ở đó một trật tự hữu hiệu phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế cho phép duy trì ổn định, sự cùng tồn tại hòa bình của các nước trong khu vực, củng cố các nền kinh tế của các nước này và hợp tác có tính xây dựng trong lĩnh vực quân sự.

Khả năng duy trì hòa bình, ổn định, các quan hệ thương mại hiệu quả và ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng, theo Washington, sẽ phụ thuộc ở mức độ đáng kể vào việc duy trì ở mức độ cần thiết sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ tại khu vực này và hiệu quả của các đội quân Mỹ.
Đến năm 2020, tại vùng biển Thái Bình Dương sẽ tập trung gần 60% tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ.. Ảnh: reddogreport.com
Những tiết lộ của Panetta

Ngày 2/6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phát biểu trước các đại biểu dự Diễn đàn quốc tế về an ninh châu Á-Thái Bình Dương có tên Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 ở Singapore. Thường xuyên tham dự diễn đàn là đại diện của 27 nước, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác. Từ năm 2002, theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế London, hội nghị này đã được tổ chức hàng năm.

Trong phát biểu của mình, ông Panetta thông báo với các đại biểu dự Diễn đàn Shangri-La về chiến lược quân sự mới của Lầu Năm góc và cho biết, theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ, Lầu Năm góc đã bắt đầu chú trọng đặc biệt đến việc mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, một trong những khu vực rộng lớn nhất hành tinh với dân số đông, tầm quan trọng kinh tế lớn đối với Washington và là mối nguy hiểm quân sự nhất định đối với Mỹ.

Theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ định hướng vào việc gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương không phải bằng cách triển khai các căn cứ thường trực của Lầu Năm góc ở khu vực, mà bằng cách xây dựng các liên minh quốc phòng với các quốc gia trong khu vực này.

Theo ông Panetta, đến năm 2020, tại vùng biển Thái Bình Dương sẽ tập trung gần 60% tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Hiện nay, hạm đội Mỹ có 285 tàu, trong đó có các tàu bảo đảm chiến đấu. Một nửa số tàu trên được bố trí ở Đại tây Dương, còn nửa còn lại đóng ở Thái Bình Dương. Do sự cắt giảm chi phí quốc phòng, sắp tới, biên chế tàu của Hải quân Mỹ sẽ bị cắt giảm đi 9 chiếc. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, sau khoảng 10 năm nữa, số lượng tàu chiến và tàu bảo đảm sẽ tăng lên đến 300 chiếc.

Như ông Panetta thông báo, sau 8 năm nữa, trực chiến tại Thái Bình Dương sẽ có 6 trong 11 tàu sân bay, đa số các tàu tuần dương và tàu khu trục, cũng như nhiều tàu nổi khác và các tàu ngầm. Hiện tại, hoạt động tại Thái Bình Dương là các tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Enterprise. Các tàu sân bay này dùng để chi viện chiến đấu cho các chiến dịch ở Afghanistan, tham gia chống hải tặc ở bờ biển Somalia, cũng như tuần tra các tuyến đường biển chính vận chuyển dầu mỏ từ Vịnh Persique.
Theo lời ông Panetta, Lầu Năm góc dự định tăng số lượng và quy mô các cuộc tập trận ở châu Á-Thái Bình Dương, cũng như số lượng các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ tới các cảng của các quốc gia trong khu vực và các quốc gia ở Ấn Độ Dương.

Ông Panetta nhấn mạnh rằng, việc cắt giảm lớn ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ không hề ảnh hưởng đến việc tiếp tục tăng cường cụm lực lượng và phương tiện ở châu Á-Thái Bình Dương, nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng này và trang bị cho chúng các vũ khí hiện đại nhất. Ông Panetta cho biết, sẽ cần một thời gian dài để thực hiện đầy đủ các phương châm chiến lược mới. Tuy nhiên, các kế hoạch của Lầu Năm góc nhất định sẽ được thực hiện, bởi vì trong chương trình 5 năm của Bộ Quốc phòng Mỹ đã dự trù đầy đủ nguồn kinh phí cần để thực hiện các nhiệm vụ này.
Hạm đội Thái Bình Dương (PACFLT) của Mỹ là bộ chỉ huy hạm đội lớn nhất thế giới với địa bàn phụ trách rộng 100 triệu dặm vuông và hơn một nửa bề mặt trái đất. PACFLT có 181 tàu nổi và tàu ngầmm gần 1.000 máy bay và 140.000 thủy binh và nhân viên dân sự. Lực lượng trực thuộc PACFLT gồm có Hạm đội 3 và Hạm đội 7, 5 cụm tàu sân bay tiến công và 5 cụm đổ bộ sẵn sàng chiến đấu. Hàng năm, PACFLT thực hiện 350 chuyến thăm các cảng, hơn 150 cuộc tập trận chung, 30 hoạt động nhân đạo và dân sự. Ảnh: navylive.dodlive.mi
Chủ nhân Lầu Năm góc tuyên bố rằng, sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương “sẽ mang lại sự ổn định” cho các quan hệ của các nước nước khu vực, mang lại cho Mỹ “những khả năng mới” trong “khu vực quan trọng sống còn” này và sẽ cho phép giải quyết nhiều mâu thuẫn tồn tại giữa các nước trong khu vực.

Ông Panetta bác bỏ những dự đoán của một số đại biểu dự Diễn đàn Shangri-La cho rằng, những điều chỉnh trong chiến lược quân sự Mỹ và việc chuyển hướng những nỗ lực của Lầu Năm góc sang châu Á-Thái Bình Dương được thực hiện nhằm kiềm chế ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở khu vực này và nhằm chống Bắc Kinh bằng cách nào đó.

Tuy nhiên, ông Panetta cũng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đang tranh chấp lãnh thổ với các đồng minh của Mỹ, trong đó có Philippines về chủ quyền của nhiều hòn đảo trên Biển Đông, và trong những năm gần đây đang ngày càng cứng rắn trong các vấn đề này. Việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, ông Panetta nói, đang gieo hy vọng nhất định vào lãnh đạo các quốc gia đang có tranh chấp Bắc Kinh và rõ ràng là đang làm các nhà lãnh đạo Trung Quốc tức giận. Nhưng ông Panetta cũng nhấn mạnh, Nhà Trắng bằng mọi biện pháp hợp pháp sẽ tìm mọi cách hợp tác với Trung Quốc trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn này.

Các kế hoạch Thái Bình Dương của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ phác họa rất chung chung cho các đại biểu dự Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore về những ý đồ của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến các kế hoạch hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Những thông tin chi tiết hơn về vấn đề này đã được tân Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear công bố hai tuần trước đó.

Trả lời phỏng vấn cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ, Đô đốc Locklear tuyên bố rằng, Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đưa ra cho ông những chỉ thị rất rõ ràng liên quan đến các hành động tới đây của các lực lượng dưới quyền ông ở Thái Bình Dương. Ông lưu ý rằng, châu Á-Thái Bình Dương chiếm 52% diện tích trái đất, trên đó là 36 quốc gia với 3,6 tỷ người đang sinh sống.

Theo Tư lệnh PACOM, “Mỹ không chỉ là một quốc gia Đại Tây Dương, mà còn là quốc gia Thái Bình Dương” và chính vì lý do này, các phương châm chiến lược mới của Washington đối với châu Á-Thái Bình Dương đặt dấu chấm hết cho vấn đề này.

Ông Locklear nêu ra 5 nhiệm vụ chính đặt ra trước lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương dưới quyền ông là: Tiến hành các hoạt động nhằm củng cố các quan hệ đồng minh với các nước châu Á-Thái Bình Dương và mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia có thiện cảm với Mỹ; Củng cố quan hệ Bắc Kinh-Washington trong lĩnh vực quân sự; Phát triển quan hệ đối tác với Ấn Độ, quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương; Duy trì khả năng sẵn sàng của các lực lượng dưới quyền ông trong mọi điều kiện đối phó với mọi đe dọa có thể xuất phát từ một vài nước bán đảo Triều Tiên và gây tổn hại cho lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ; Giải quyết nhiệm vụ bảo đảm đối phó hiệu quả những mối đe dọa đối với Mỹ từ phía các quốc gia thù địch và chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Đô đốc Locklear còn nhấn mạnh nhấn mạnh rằng, Lầu Năm góc cần tiếp tục phát triển các quan hệ đồng minh với những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Australia và Thái Lan. “Các liên minh này đã hình thành về lịch sử. Chúng củng cố vị thế chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và hỗ trợ duy trì an ninh của các nước thuộc khu vực này”, Đô đốc Locklear nói.
Nhà Trắng đánh giá cao tầm quan trọng quan hệ của Mỹ với Việt Nam. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trên boong tàu USNS Richard E. Byrd ở Cam Ranh, ngày 3/6/2012. Ảnh: Reuters
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta, hồi đầu tháng này, đã có mặt ở Cam Ranh. Người Mỹ đã buộc phải rời khỏi căn cứ hải quân này ở Vệt Nam gần 4 thập kỷ trước, sau khi họ thất bại trong chiến tranh ở Việt Nam. Hải quân Liên Xô đã thế chân họ và sau đó cũng phải rút khỏi căn cứ này. Nay Nhà Trắng có ý đồ biến vịnh nước sâu này, nơi mà Mỹ đã chi những khoản tiền lớn để xây dựng các công trình cảng và sân bay lân cận, thành nơi lưu trú của các hạm tàu của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông Leon Panetta đã thăm chiếc tàu vận tải USNS Richard E. Byrd của Hải quân Mỹ, vốn dùng để tiếp vận cho các căn cứ quân sự Mỹ ở các khu vực trên thế giới. Hiện nay, tàu đang nằm ở cảng Cam Ranh. “Đây là một chuyến thăm lịch sử. Việc con tàu này đang ở Cam Ranh lúc này, nơi nó được các nhà thầu bảo dưỡng, còn các bạn Việt Nam của chúng ta đang sửa chữa nó, cho thấy rõ chúng ta đã tiến bộ xa đến mức nào”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu trước các thủy binh Mỹ. Ông nhấn mạnh, việc các tàu chiến Mỹ tiếp cận cơ sở này (Cam Ranh) là một “thành tố then chốt” của chiến lược quân sự mới của Lầu Năm góc.

Thậm chí qua những diễn đạt rất thận trọng trong phát biểu của ông Panetta, ta có thể rút ra kết luận rõ ràng là Nhà Trắng đánh giá cao tầm quan trọng quan hệ của Mỹ với Việt Nam.

Nhiệm vụ chính của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương, như các nhà phân tích Mỹ khẳng định, là thiết lập các liên minh quân sự mới với các nước khu vực để đối phó với các ý đồ của Trung Quốc tự khẳng định mình là quốc gia lãnh đạo khu vực này của thế giới. Mỹ dành cho Ấn Độ, một trong những quốc gia hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương về kinh tế và quân sự, một vai trò đặc biệt trong quá trình này.
Nhân Vũ (theo NVO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.