Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Dấu hiệu suy giảm kinh tế và những áp lực chính sách

Mặc dù Chính phủ đã và đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng những dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế vẫn ngày càng rõ ràng khi các chỉ số kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm vừa được công bố vẫn chưa cho thấy sự cải thiện nhiều. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ nền kinh tế suy giảm đang dần hiện hữu.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Dấu hiệu suy giảm kinh tế

Tình trạng trì trệ của nền kinh tế được phản ánh rõ nét trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2012. Báo cáo nhận định: sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu 2012 chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2011 (trong đó công nghiệp khai thác mỏ chỉ tăng 2,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 14,3%). Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua, điều này báo động năng lực sản xuất đang suy giảm. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến 1/5, chỉ số tồn kho của các doanh nghiệp chỉ tăng 29,4% so với cùng kỳ. Chỉ số này đã giảm liên tiếp trong vòng 3 tháng qua nhưng vẫn cao hơn nhiều so với con số 19,3% của giai đoạn cuối năm 2011. Cụ thể, tồn kho xi măng - vôi vữa giảm liên tiếp, từ mức tăng 72,7% hồi đầu tháng 1 xuống còn 42,3% trong tháng 5. Sắt thép, từ mức 59,1% vào tháng 3, cũng được đưa ra khỏi danh sách các mặt hàng tồn kho nhiều trong vòng 2 tháng qua (riêng tồn kim loại đúc sẵn giảm từ 101,5% hồi tháng 4 xuống còn 62,8% trong tháng 5).

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ hàng hóa chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó chỉ số tiêu thụ tại khu vực chế biến - chế tạo hiện cũng “giậm chân tại chỗ” trong vòng 2 tháng qua với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ (con số của 5 tháng đầu năm 2011 là 17%). Cùng với đó, khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, sức mua giảm, lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn mức cao, điều này thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 22/5, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đạt 4.450, số vốn đăng ký là 55.000 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có trên 30.100 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký khoảng 190.000 tỉ đồng, giảm 12,2% về lượng và giảm 3,6% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tính tới 30/4/2012, trong tổng số hơn 600.000 DN, đã có gần 82.000 DN giải thể, hơn 16.000 DN đăng ký dừng hoạt động. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 18.000 DN phá sản, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ 2011.

Số doanh nghiệp giải thể thể hiện rõ nhất ở hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội, riêng 4 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội, số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã thông báo cho cơ quan thuế bằng 82% của cả năm 2011; số doanh nghiệp giải thể ở Hà Nội là 319 doanh nghiệp, ngoài ra có đến 2.348 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế. Trong khi đó, cùng thời gian này, số doanh nghiệp đăng ký mới là 5.074, giảm 70% so cùng kỳ 2011, vốn đăng ký hơn 25.000 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu của Cục thuế, số doanh nghiệp giải thể trong 4 tháng đầu còn lên đến 1.396 doanh nghiệp.

Rõ ràng, những con số trên cho thấy dấu hiệu nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm. Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 13 ngày 21/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói đến “dấu hiệu giảm phát” của nền kinh tế. Trong khi đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Báo cáo về tình hình kinh tế trước Quốc hội cũng cho rằng “đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế”. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (tăng 5,57%) và năm 2010 (5,84%)”.

Cần thêm những giải pháp về thuế

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp như miễn, giãn, giảm thuế, hạ lãi suất, thể hiện rõ trong Nghị quyết 13... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giải pháp thuế chỉ có nhiều ý nghĩa với những doanh nghiệp còn hoạt động tương đối tốt, có doanh thu, còn đối với những doanh nghiệp thua lỗ thì không mấy tác dụng. Đó là chưa kể việc giãn thuế chỉ có tác dụng giúp những DN đang bán được hàng, có thu nhập và có lãi, còn những DN đang bị tồn kho, lỗ vốn thì không có tác dụng. Đại đa số các doanh nghiệp đang “hấp hối” thì điều họ cần hơn là thuốc chữa bệnh chứ không phải thuốc bổ.

Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến sản xuất yếu kém, hàng tồn kho nhiều vẫn cần những chính sách thiết thực hơn. Ngoài những chính sách về thuế, rõ ràng cần phải có những giải pháp mới đối với các chính sách liên quan hỗ trợ xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng và đầu tư nhằm giảm hàng tồn kho, tạo việc làm, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và chi tiêu. Nhưng để kích cầu đầu tư đúng hướng, cần thực hiện tốt hơn việc công khai các danh mục đầu tư, thúc đẩy hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa. Như vậy sẽ giảm các chi phí kinh doanh và chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp. Đối với kích cầu tiêu dùng cá nhân, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như giảm giá hàng tiêu dùng, tăng cường quản lý thị trường, tăng lương, tăng cho vay tiêu dùng, trợ cấp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, mở rộng bảo hiểm xã hội…

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp, cho rằng, trọng tâm chính sách trong thời gian tới là cần có các biện pháp hỗ trợ cho xuất khẩu như hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm lãi suất, tạo điều kiện xây dựng nhà xưởng, kho hàng, giảm phí vận tải… Thông qua đó, giá hàng hóa xuất khẩu mới rẻ, cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài và như vậy DN mới giải quyết được hàng tồn kho. Đồng thời, các ngân hàng nên xem xét lấy hàng tồn kho của các DN làm tài sản thế chấp cho DN vay tiếp, giúp họ có đầu ra thì mới tiếp tục sản xuất, và tạo điều kiện sản xuất với chi phí rẻ hơn song song với việc kéo lãi vay xuống thấp hơn nữa.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngoài biện pháp giảm lãi suất như trong thời gian qua, cần khơi thông bế tắc để DN được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Một khi nguồn vốn được khơi thông, tín dụng tăng lên, người dân có tiền mua hàng, sức mua được kéo theo, giải tỏa được hàng tồn kho, DN tiêu thụ được hàng hóa và sản xuất sẽ khôi phục.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Chính phủ cần rất thận trọng trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu...; đồng thời không nên áp dụng thêm các loại phí chưa thật cần thiết vào thời điểm này.

Quốc Huy
(Tamnhin.net)

1 nhận xét:

  1. Sự suy giảm của nền kinh tế đến tình trạng hiện nay là trách nhiệm của Thống đốc NHNN - Người đã chủ trương thực hiện các chính sách tiền tệ duy ý chí theo nguyện vọng của các nhóm lợi ích. Hệ lụy này cả đất nước gánh chịu, nó tàn phá sức sản xuất và sức dân mất bao nhiêu năm nữa mới hồi phục được. Vậy ông Thống đốc có từ chức không nhỉ???

    Trả lờiXóa

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.