|
Các DNNN vẫn được Bộ Tài chính xác định giữ vai trò chính trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Ảnh: T.L |
(TBKTSG Online) - Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn được xác
định là công cụ quan trọng để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây là một trong bốn quan điểm chính của Bộ Tài chính trong Đề án tái
cơ cấu DNNN đang được lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước.
Quan điểm thứ hai, theo đề án này, DNNN khi được tái cơ cấu phải mạnh
hơn để trở thành nòng cốt của kinh tế Nhà nước, góp phần để kinh tế Nhà
nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, đề án đề ra mục tiêu là đảm bảo các tập đoàn kinh tế, tổng
công ty nhà nước làm tốt vai trò là công cụ góp phần điều tiết vĩ mô,
định hướng phát triển, tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy các doanh
nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Bản đề án cũng đưa ra mục tiêu hình thành các DNNN quy mô lớn nằm trong
số những doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực và thậm chí ở “tầm quốc
tế”.
Như vậy, đề án này vẫn khẳng định vai trò vai trò điều tiết kinh tế vĩ
mô của khu vực DNNN, cho dù khu vực kinh tế này được xác định là phải
cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội có cái nhìn khác.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình
Cung cho rằng, dù được xác định là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, song
DNNN đã làm cho bất ổn trở nên trầm trọng hơn; đồng thời, làm gia tăng
rủi ro đối với hệ thống tài chính do đầu tư lớn mà ít hiệu quả và tình
trạng kinh doanh kém cỏi lâu nay.
"Sự kém hiệu quả của DNNN cùng với xu hướng mở rộng kinh doanh sang các
ngành bất động sản, tài chính, chứng khoán và đòn bẩy tài chính ngày
càng cao đang làm gia tăng rủi ro không chỉ cho các DNNN có liên quan,
mà cho cả hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung", ông Cung nhận
xét.
Trong khi đó, một báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tập hợp ý
kiến của các nhà kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, việc sử dụng DNNN
làm công cụ điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô là không có cơ sở, xét
cả trên lý luận và thực tiễn.
DNNN chiếm vị trí độc quyền hoặc gần như độc quyền ở nhiều lĩnh vực,
không chịu áp lực cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả. Và đó là một trong
các nguyên nhân của bất ổn vĩ mô chứ không phải là công cụ để ổn định
kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, DNNN được sử dụng làm công cụ ổn định giá làm
cho giá thị trường của các sản phẩm có liên quan bị bóp méo, khiến việc
phân bổ và sử dụng nguồn lực trở nên bất hợp lý và kém hiệu quả.
Báo cáo của ủy ban này nhận xét thêm, trong nhiều trường hợp, giá cả
sau một thời gian bị “dồn nén” dẫn đến thua lỗ hoặc trợ cấp, bao cấp
chéo lớn đến mức không thể tiếp tục “nén” được nữa, thì phải bung ra.
Điều đó tạo ra cú sốc lớn trong nền kinh tế, làm cho kinh tế vĩ mô vốn
đã bất ổn, dễ bị tổn thương trở nên bất ổn và dễ bị tổn thương hơn.
Trong đề án, Bộ Tài chính thừa nhận, tái cơ cấu DNNN là “tiến trình khó khăn nhất” của tái cơ cấu kinh tế.
Nhà nước hiện vẫn nắm giữ tới 85% vốn tại khu vực DNNN sau hơn 20 năm chương trình cổ phần hóa được tiến hành.
Hiện tại, đóng góp của khu vực kinh tế dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài đã lên đến 70% tổng sản phẩm nội địa (GDP).
The Saigontime
ĐẠI VẤN ĐỀ ! CÓ LẼ KINH TẾ NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO (TRONG ĐÓ CÓ NGÂN HÀNG, TÀI CHÍNH, TÀI NHGUYÊN QUỐC GIA... CÓ THỂ LÀM CHỨC NĂNG NÀY, HƠN LÀ DNNN, VÌ QUY MÔ ĐANG GIOẢM ĐI, MÀ HIỆU QUẢ KÉM LẮM... CÓ KHI THAM GIA ĐIỀU TIẾT THÌ CÀNG LÀM RỐI VẤN ĐỀ...)
Trả lờiXóa