Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

“Doanh nghiệp Nhà nước vung tay quá trán dù đi vay nợ”

 “Để tái cơ cấu thành công, cần làm rõ cơ cấu nợ và tình hình tài chính của từng DN để có biện pháp xử lý phù hợp. Một số DNNN hiện nay vung tay quá trán nguồn vốn vay nhưng lại đầu tư không hiệu quả…”, đại biểu QH Trần Du Lịch nói.

Đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNNN) vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy số nợ của các DNNN lên tới trên 415.000 tỷ đồng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên lành lang kỳ họp Quốc hội ngày hôm nay 4/6, TS.Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM đã có sự chia sẻ về vấn đề này.
“Doanh nghiệp Nhà nước vung tay quá trán dù đi vay nợ”
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (ảnh: Việt Hưng).
Thưa ông, có người ví rằng, khoản nợ trên 415.000 tỷ đồng của các DNNN như “quả bom nổ chậm”. Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về vấn đề này?
Xét về nguyên tắc, doanh nghiệp kinh doanh hay các nhân kinh doanh thì việc đi vay nợ là hết sức bình thường. Trong quản trị tài chính doanh nghiệp có ngưỡng an toàn nên chúng ta phải xem xét cơ cấu nợ trên vốn chủ sở hữu là bao nhiêu để xem mức độ an toàn của từng lĩnh vực, từng ngành là thế nào.
Ngoài ra, tỷ lệ an toàn hay mất an toàn còn dựa trên dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đi vay vốn ngắn hạn, thì đồng tiền đó dùng để trả lương và mua nguyên vật liệu, vốn trung hạn để sắm máy móc thiết bị và vốn dài hạn để xây cất nhà xưởng. Do đó, nếu dòng tiền của doanh nghiệp phù hợp với lộ trình trả nợ là an toàn về tài chính và không mất khả năng chi trả, trả nợ.
Theo ước tính, vốn chủ sở hữu của các DNNN hiện trên 600.000 tỷ đồng. Lấy khoản nợ trên 415.000 tỷ đồng so với tổng vốn chủ sở hữu là an toàn, nhưng xét từng đơn vị một, rõ ràng là có vấn đề.
Ông đánh giá thế nào về số nợ của nhiều DNNN lên tới hơn 10 lần so với vốn chủ sở hữu?
Xét về phương diện cơ cấu, tổng vốn chủ sở hữu của khối DNNN hơn 600.000 tỷ đồng đối với khoản nợ hơn 415.000 tỷ là an toàn.
Còn để đánh giá tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, tôi cho rằng phải tính từng doanh nghiệp, nếu vốn vay đã lên tới 10 lần vốn chủ sở hữu mà kinh doanh không hiệu quả là một nguy cơ.
Nếu xét chung, tôi cho rằng tình trạng một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã vung tay quá trán đối với nguồn vốn vay nhưng đầu tư không hiệu quả. Đây là vấn đề đáng báo động. Đặc biệt, nếu kiểu nợ như Vinashin, Vinalines thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
Vấn đề thứ hai tôi muốn nói là từ con số đó chúng ta phải làm sâu hơn để thấy được việc vay nợ của DNNN có tuân thủ những nguyên tắc quản trị tài chính doanh nghiệp không? Đồng tiền đi vay có kinh doanh hiệu quả không? Doanh nghiệp đi vay sử dụng vào mục đích có phù hợp không, ví dụ như ngắn hạn chỉ để trả lương, mua nguyên liệu thôi.
Đây là những điều cầncần làm rõ, nhưng rất tiếc trong báo cáo chưa phân tích chi tiết này. Do đó, để có thể tái cấu trúc thành công, chúng ta cần phân tích về cơ cấu nợ và tình hình tài chính của từng tập đoàn, từng tổng công ty, từng đơn vị để có hướng xử lý phù hợp.
Thực tế cho thấy, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chật vật để tiếp cận nguồn vốn vay thì DNNN lại được ngân hàng quá ưu đãi. Liệu có phải do DNNN được hưởng quá nhiều ưu đãi về chính sách hay không?
Đây là do ngân hàng. Ngân hàng cho DNNN vay nhiều do họ nghĩ sau lưng DNNN là Nhà nước, an toàn cho họ, thành ra họ thích cho vay. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vay vì ngân hàng thấy không an toàn.
Chính vì vậy, Việt Nam cũng như một số nước, Nhà nước thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp hay như Ngân hàng Phát triển để hỗ trợ cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp phát triển. Rất tiếc hai định chế mà tôi đề cập lại chưa có nhiều vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là điểm mà chúng ta cần củng cố sửa đổi.
Vậy theo ông, làm thế nào để tái cơ cấu DNNN thành công?
Doanh nghiệp nợ thì doanh nghiệp phải tự giải quyết, không ai đứng ra giải quyết thay cả. Thứ nhất, Nhà nước không đứng ra trả nợ thay DNNN. Nếu doanh nghiệp không trả nổi nợ, thì cần xử lý theo quy định của Luật phá sản. Ai cho doanh nghiệp vay mất khả năng chi trả thì ráng chịu. Chúng ta phải mạnh dạn làm điều này.
Còn những ngành đang sử dụng nhiều lao động, nếu phá sản ảnh hưởng đến xã hội hoặc những ngành cần khuyến khích phát triển thì Nhà nước xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ. Trong trường hợp này, không chỉ có DNNN mà Nhà nước cần hỗ trợ đối với cả doanh nghiệp tư nhân. Đó là lý do vì sao các ngân hàng chung tay xử lý nợ Bianfisco vì nó sử dụng nhiều lao động chế biến.
Điều quan trọng hơn nên để các chủ nợ tự tính với nhau, có thể là chuyển nợ thành vốn, tổ chức lại kinh doanh. Tình trạng sáp nhập, mua nợ, mua lại doanh nghiệp cũng là bình thường. Tôi cho rằng nên để thị trường điều tiết một cách bình thường.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền
Dân chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.