Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Tập đoàn nhà nước bị đại biểu Quốc hội ‘đấu tố’

 Nếu từ khóa nóng nhất trong phiên họp QH hôm qua là “tham nhũng” thì trong phiên họp hôm nay (8/4) là “tập đoàn nhà nước”, từng bị ví là "quả đấm thép đang tan chảy".
Mổ xẻ nguyên nhân yếu kém của tập đoàn nhà nước
Ở Việt Nam, từ năm 2005 tới 2007, liên tiếp 8 tập đoàn được thành lập. Sau đó năm 2009 - 2010 khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, trong khi chưa có tổng kết thí điểm chúng ta lại tiếp tục lập thêm 4 tập đoàn mới.
Về nguyên tắc, tất cả 12 tập đoàn đều trong giai đoạn thí điểm (có nghĩa là có thể thành công hoặc thất bại). “Tuy nhiên ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm (hoạt động của các tập đoàn) trên phạm vi rất rộng, tập trung vào lĩnh vực trọng yếu xương sống của nền kinh tế”, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận định.
Đại biểu Nga nhận xét, thực tế đổ vỡ và sai phạm của một số tập đoàn cho thấy thể chế pháp lý ở các đơn vị này còn nhiều bất cập. Ngoài ra, khung pháp lý liên quan đến các tập đoàn, tuy đã từng bước được điều chỉnh, nhưng đến nay vẫn còn nhiều sơ hở.
Cụ thể, các tập đoàn đều được thành lập theo phương thức hành chính bằng quyết định của Thủ tướng, trong một chừng mực nào đó còn thể hiện mong muốn chủ quan của cơ quan quản lý mà chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu tự thân của sự liên kết tập trung kinh tế theo quy luật nên gặp nhiều khó khăn (quy mô số lượng công ty tăng quá nhanh, vượt quá trình độ khả năng quản trị, quản lý của công ty mẹ).
Thêm nữa, hoạt động của các tập đoàn thường chồng chéo chức năng “chủ sở hữu” với “quản lý”. Ví dụ, có trường hợp dùng quyền quản lý nhà nước để thực thi quyền sở hữu như quyết định đầu tư mua bán tài sản, ngược lại theo phán ánh một số tập đoàn còn được giao thực hiện một số nhiệm vụ về bản chất là nhiệm vụ của quản lý nhà nước như trực tiếp đề xuất hoặc soạn thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành... Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch tạo ra sự thiếu công bằng trong hoạch định chính sách giữa các loại hình doanh nghiệp, các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có vị thế độc quyền, có lợi thế trong khai thác tài nguyên.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự phân tán và kém hiệu quả trong thực hiện quyền sở hữu giám sát đầu tư và nhà nước quản lý chuyên ngành; vị thế độc quyền và những ưu đãi giúp tập đoàn biện minh cho sự hoạt động kém hiệu quả… “Đây chính là lỗ hổng pháp lý có thể tạo ra khả năng dẫn đến sự chi phối chính sách và lợi ích nhóm” - đại biểu Lê Thị Nga nhận xét và kết luật - “nếu duy trì thể chế đó có khả năng tạo ra sai phạm, thất thoát tài sản Nhà nước không chỉ riêng ở các đơn vị đã đổ vỡ, hoặc đã được thanh tra”.
Trước những bức xúc của dư luận xã hội và cử tri trong cả nước thể hiện sự thiếu sự tin tưởng và có nhiều hoài nghi về tính hiệu quả của các tập đoàn nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) cho rằng, đây là thời điểm rất tốt để minh bạch, công khai. Có như vậy mới lấy lại niềm tin và huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Do đó, phải xác định được vai trò rất quan trọng của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. “Để tiến hành việc này tôi nghĩ rằng chúng ta phải tiến hành cổ phần hóa, đa dạng hóa các sở hữu doanh nghiệp nhà nước, buộc các doanh nghiệp này phải hoạt động đúng theo cơ chế thị trường và tạo ra được sự cạnh tranh bình đẳng đối với tất cả các doanh nghiệp khác”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị.
Khối kinh tế tư nhân ở đâu trong tái cơ cấu?
Trong khi các tập đoàn nhà nước đang làm sói mòn lòng tin trong dư luận thì các đại biểu Quốc hội lại đặt kỳ vọng vào khối kinh tế tư nhân, trong quá trình tái cơ cấu sắp tới.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế là cơ hội để rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch cho phù hợp với tổng thể của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội sắp xếp, sàng lọc, sáp nhập các đơn vị thuộc các lĩnh vực ngành kinh tế, tạo nên sức mạnh mới lớn hơn, có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, cần nghiên cứu giảm bớt vốn đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước vì suốt thời gian qua các doanh nghiệp này làm ăn kém hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm đến 70% vốn đầu tư của toàn xã hội, chiếm 50% vốn đầu tư của Nhà nước, chiếm 60% tín dụng của ngân hàng thương mại, chiếm 70% nguồn vốn ODA nhưng chỉ đóng góp chưa đến 38% GDP của nền kinh tế. Trong khi đó, khối doanh nghiệp tư nhân ít được quan tâm so với doanh nghiệp nhà nước, nhưng lại đóng góp hơn 45% GDP của nền kinh tế. “Do vậy, nên chăng chúng ta cần thay đổi quan điểm chuyển ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực tư nhân mà đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đại biểu Trần Quốc Tuấn đặt vấn đề.
Bổ sung vấn đề này vào đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng lên tiếng thắc mắc báo cáo tập trung nhiều vào phân bổ vốn đầu tư nhà nước, đầu tư công mà chưa đề cập đến đầu tư và tái đầu tư khu vực tư nhân và ông cho rằng, đối với doanh nghiệp tư nhân, tái cơ cấu đặt ra vấn đề tái cơ cấu về lĩnh vực hoạt động. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp tư nhân và FDI và nên đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào nhóm giải pháp này.

Tuấn Linh
ĐVO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.