Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

"Thống đốc xác nhận tỷ lệ nợ xấu 10% là sự dũng cảm"

T.S Vũ Đình Ánh cho rằng việc thừa nhận tỷ lệ nợ xấu cao là dũng cảm để từ đó NHNN sẽ có biện pháp giải quyết 2 nguyên nhân gây nghẽn tín dụng là lãi suất cao và nợ xấu lớn.
Sau những phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại diễn đàn Quốc hội với thông tin quan trọng thị trường tiền tệ, phóng viên đã có phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.
Chiều nay, tại Quốc hội Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ hạ trần lãi suất huy động xuống 9%/năm từ ngày 11/06 tới đây. Ông có bình luận gì về quyết định này của NHNN?
Việc Thống đốc tuyên bố sẽ hạ trần lãi suất huy động xuống 9%/năm vào ngày 11/06 thể hiện điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát diễn biễn tình hình thực tế. Hạ lãi suất lần này đã theo như diễn biến của lạm phát. Lạm phát tính đến cuối kỳ là 8,34% như vậy trần lãi suất 9% phù hợp cả thị trường tiền gửi cũng như cho vay.
Nếu diễn biến lạm phát vẫn giữ xu hướng như hiện nay thì NHNN vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh tiếp lãi suất.
Điều này phản ánh sự phản ứng rất linh hoạt của NHNN với tư cách là cơ quan quản lý chính sách tiền tệ.
Cũng tại phát biểu của mình, Thống đốc cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống đã tăng từ 6% lên 10%. Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ nợ xấu này?
Việc Thống đốc xác nhận nợ xấu toàn hệ thống ở mức 10% là sự dũng cảm khi mà trước đấy cơ quan này vẫn cho biết nợ xấu chỉ ở mức 3,2-3,6%. Tỷ lệ này xấp xỉ số liệu do một số tổ chức quốc tế đã đánh giá trước đây.
Tôi cho rằng NHNN đã dũng cảm đánh giá chính xác nợ xấu thì hy vọng cũng sẽ có biện pháp để xử lý nợ xấu.
Có thể thấy NHNN đã xử lý đồng thời 2 nguyên nhân gây ra nghẽn tín dụng ở Việt Nam là do lãi suất cao và nợ xấu lớn trong hệ thống. Qua đó cho thấy một chính sách tiền tệ  đồng bộ nhằm giải quyết vấn đề nghẽn tín dụng trong nền kinh tế.
NHNN cũng có kế hoạch xử lý khoảng 100 ngàn tỷ nợ xấu. Khi tỷ lệ nợ xấu là 10% thì con số đó còn phù hợp?
Với dư nợ toàn nền kinh tế khoảng 2,8 triệu tỷ, nợ xấu 10% tương đương 280 ngàn tỷ. Để xử lý nợ xấu tức là cơ cấu nợ, mua nợ và bán nợ; tạo ra thị trường mua bán nợ.
Với quy mô nợ xấu 280 ngàn thì việc mua lại 100 ngàn tỷ cũng là phù hợp. Vấn đề ở đây là kỹ thuật xử lý nợ.
Kỹ thuật xử lý nợ như thế nào là phù hợp, thưa ông?
Nợ xấu chắc chắn phải xử lý nhưng bằng cách nào. Ở đây cũng không phải có sáng kiến gì bởi quốc tế đã có nhiều bài học xử lý nợ xấu, cả thành công và cả thất bại.
Việt Nam về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này, tuy nhiên phải hết sức chú ý tới đặc thù nước ta bởi tính chất nợ xấu ở Việt Nam cũng khác các nước khác.
Hơn nữa phải xác định xử lý nợ xấu là công việc trước mắt hay là trung dài hạn, phải có lựa chọn nhất định để xây dựng thể chế để xử lý nợ.
Vậy ông đánh giá thế nào về kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ của NHNN?
Quan điểm cá nhân tôi thì không nên thành lập công ty bởi dù thế nào đó cũng sẽ là công ty nhà nước. Bản thân khu vực DNNN đang cơ cấu lại do vậy có thêm DNNN với quy mô lớn như vậy cũng không thích hợp.
Tôi cho rằng đây chỉ là nhiệm vụ trong ngắn và trung hạn để xử lý dứt điểm nợ xấu do vậy chỉ nên là chương trình xử lý nợ với sự tham gia của Nhà nước thông qua NHNN và NHTM cùng doanh nghiệp.
Nếu thành lập công ty khi quá trình xử lý nợ kết thúc thì phải giải thể một công ty đó. Việc giải thể công ty nhà nước chắc chắn sẽ phức tạp hơn, còn nếu chỉ là chương trình có sự phối hợp giữa các bên thì sẽ tự động kết thúc khi hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thanh Hải
Theo TTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.