Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Đại biểu lo kinh tế bị nhóm lợi ích lũng đoạn




- Thảo luận tại tổ sáng 24/5, các đại biểu cho rằng, tình hình kinh tế đang rất xấu. Cần bắt đúng mạch, từ đó kê đơn thuốc đúng, đủ, đúng liều lượng và thời gian.
Bắt đúng mạch, không tô hồng
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phân tích việc đánh giá tình hình kinh tế gần như một cuộc khám bệnh. Nếu cứ cho là ta rất khỏe, không có vấn đề gì thì đến khi mắc bệnh sẽ rất khó chữa.


ĐB Nguyễn Đình Quyền: Có lợi ích nhóm hay không?

Nhìn vào báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, theo ông Quyền, với 3 trang dành cho việc những việc đã làm được, có ấn tượng, chúng ta “chưa nhìn vào những gì thực sự là yếu kém”.
ĐB Lê Văn Nga (Quảng Nam) nêu câu hỏi phải chăng cách đặt vấn đề của chúng ta có vấn đề khi mà lạm phát luẩn quẩn, kinh tế suy giảm là bỏ tiền ra.
Trong khi đó, đối tượng cần uống thuốc đã bắt trúng hay chưa. Đơn cử, gói kích cầu năm 2009 hướng vào "ông lớn" mà không chú trọng vào nông nghiệp nông thông, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), chúng ta đã kê đơn, uống thuốc đúng luật nhưng uống quá liều. Đơn thuốc đưa ra trên cơ sở báo cáo tô hồng, nên thường chậm.
Các đại biểu đề nghị xem kỹ giải pháp tổng thể. Không chỉ hỗ trợ DN, nhiều đại biểu đặt vấn đề kích cầu tiêu dùng, để khoan sức dân. “Đó là hai chân kiềng mà chính sách phải theo đuổi, để nền kinh tế có thể khôi phục”, ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nói.
Theo ĐB Trần Du Lịch, không thể chậm trễ hơn trong việc hỗ trợ DN. “Để chậm, tiểu thương bỏ chợ khác nào nông dân bỏ đất. DN chết rồi, muốn cứu cũng không được. Và năm sau, chúng ta sẽ chẳng còn nguồn thu”, ông Lịch chỉ rõ.
Nhóm lợi ích lũng đoạn?
Phát biểu trong 20 phút, ĐB tỉnh Long An Đặng Thị Hoàng Yến lưu ý con số DN phá sản chắc chắn lớn hơn nhiều so với báo cáo "màu hồng" của Chính phủ. "Chỉ tính trong 15 khu công nghiệp của chúng tôi, đã có 80% DN không có khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng. Họ vẫn cầm cự sản xuất, cố gắng trả lương cho công nhân nhưng đành khất nợ tiền thuê mặt bằng nhiều tháng nay", bà Yến cho hay.
Do "có thể đây là lần phát biểu cuối cùng", bà Hoàng Yến nhấn mạnh với "các đại biểu ở lại" nguy cơ nền kinh tế bị các nhóm lợi ích lũng đoạn. Nếu như báo cáo của Chính phủ nêu một câu ngắn gọn nhiệm vụ "tiếp tục kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô", thì theo bà, nếu không đưa ra được các biện pháp cụ thể, đây sẽ chính là một cái bẫy để các nhóm lợi ích thâu tóm DN.
Bà Yến phân tích: Nghị quyết QH đặt mục tiêu tăng trưởng 6%, nhưng tại sao tăng trưởng tín dụng lại âm 1%? Nhiều DN, không chỉ vừa và nhỏ, mà cả DN lớn, cũng không thể tiếp cận vốn vay với lãi suất quy định, mà có hiện tượng môi giới vay ngân hàng, có nghĩa là DN phải chi thêm tiền mới hòng vay được ngân hàng. Vay không được, DN lâm vào thế phá sản, các nhóm lợi ích thôn tính họ dễ dàng, thôn tính luôn các dự án.
Ở đoàn Hà Nội, ĐB Nguyễn Đình Quyền cũng nêu, cách đây 2 năm rưỡi, tại QH khóa 12 đã cảnh báo “một nền kinh tế thế này mà hàng trăm tổ chức tín dụng thì bất bình thường” thế nhưng giờ này ta mới đặt vấn đề và xây dựng đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Thực tại các DN chết dần, phá sản thì các ngân hàng lãi to, nhởn nhơ. Trong khi đó, ta chưa thấy động thái cụ thể nào. Chúng ta còn đợi đến khi nào?
Ông Quyền đặt vấn đề liệu có lợi ích nhóm trong này không? Việc phản ứng chậm, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước ở đâu?
DNNN thua lỗ, ai chịu trách nhiệm?
Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc phân bố ngân sách và sử dụng vốn, tài sản nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

ĐB Trần Du Lịch: Không thể chậm trễ hơn trong việc hỗ trợ DN

ĐB Trần Du Lịch phân tích các DNNN với nguồn vốn chủ sở hữu đến 30 đến 40 tỷ USD, nhà nước không lấy thuế, nhưng hoạt động vẫn kém hiệu quả. Việc đầu tư ngoài ngành không hiệu quả không được giải trình.
Chủ tịch UBND Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh đơn cử, không ít trường hợp, ta dùng ODA để đầu tư, “là tiền đi vay đấy, nhưng lấy tiền về lại đi sắm ô tô xịn!”.
ĐB Phan Đình Trạc (Nghệ An) đặt vấn đề “sai phạm của Tập đoàn Dầu khí, Sông Đà làm giật mình với những con số khổng lồ…” Lại nữa, như trường hợp lãnh đạo Vinalines, sai phạm vẫn đề bạt. Như vậy thì kỷ luật nội bộ, kỷ cương xã hội sẽ như thế nào?
Trong khi đó, ĐB Niê Thuật (Đắk Lắk) nêu, ở trường hợp Vinalines, Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ nhưng thông tin giờ đầu tư cho các công ty lớn, DNNN, công tác quản lý thế nào? “Bỏ ra hàng nghìn tỷ rồi bị mất đi, khi phát hiện thì đã quá muộn”.
“Từ PMU18, Vinashin, giờ là Vinalines, toàn đồng tiền lớn cả, trong khi phân bổ nguồn vốn ở địa phương từng đồng cặn kẽ”.
Các ĐB đề nghị, tới đây, trước khi phân bổ nguồn vốn cho các DN này, phải trình QH để QH phê chuẩn.
ĐB Võ Thị Dung bức xúc sao ta có thanh tra, các cơ quan, Quốc hội có các ủy ban tiến hành giám sát, nhưng lãng phí đầu tư, thất thoát vẫn cao. “Phải giám sát kĩ việc sử dụng vốn ở các tập đoàn nhà nước… Việc sử dụng ngân sách, tiền thuế của người dân phải hiệu quả hơn”, ĐB Dung nói.
Theo ĐB Thủy Trang (TP.HCM), cần chỉ rõ trách nhiệm của các cá nhân trong sai phạm ở các tập đoàn.
P.Loan - T.Chung - X.Linh - V.Anh
Ảnh: Lê Anh Dũng

1 nhận xét:

  1. Hạ lãi suất - Đánh lừ cảm giác!

    Quý 1/2012 tăng trưởng tín dụng -3.5%, nếu cộng dồn 5 tháng đầu năm thì vẫn là -1%, như vậy ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã hút về khoảng 300.000 tỷ đồng tương đương khoảng 8%/ Tổng dư nợ tín dụng. Vậy thì làm gì có ai tiếp cận được nguồn vốn vay để mà giảm????? Song tại sao ông thống đốc vẫn rất tích cực công bố giảm lãi suất??? Đây chính là câu trả lời:
    1. Ông đánh lừa cảm giác của người dân - những ngườ không am hiểu gì về thủ thuật của tài chánh - tiến tệ.
    2. Ông phải thực hiện giảm lãi suất để cứu cho chính Nhóm lợi ích đã vay hàng trăm ngàn tỷ của các NH để đi chiếm đoạt thời gian qua có cơ hội được giảm lãi suất.
    3. Tạo cơ hội cho nhóm ngân hàng và nhóm lợi ích được vay lãi suất thấp, mang đi gởi tiết kiệm tại NH khác và thỏa thuận cho vay bên ngoài hưởng chênh lệch lãi suất 4-5%.
    Đó chính là sự thật của bài tón hô hào giảm lãi suất rầm rộ....

    Trả lờiXóa

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.