Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Báo động sản xuất suy giảm


Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (trái), chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ bên lề phiên khai mạc Quốc hội sáng 21-5 - Ảnh: Việt Dũng
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3 của Quốc hội ngày 21-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề cập đến tình trạng “sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dấu hiệu giảm phát và tốc độ tăng trưởng thấp".
Cùng với đó là những bức xúc về xã hội, môi trường và đời sống nhân dân.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận “đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế”, còn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng đã đến mức “báo động năng lực sản xuất suy giảm”.
Trình bày trước Quốc hội báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Doanh nghiệp phá sản, hàng hóa tồn kho
“Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế” - ông Phúc cho hay. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1-2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn; chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng, gây sức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống của nhân dân. Trong bốn tháng đầu năm, cả nước có trên 17.700 doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi sản xuất có dấu hiệu đình trệ thì chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-4-2012 của công nghiệp chế biến tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2011 (trong đó phân hóa học tăng hơn 63%, ximăng tăng hơn 44%, môtô, xe máy tăng gần 40%, chế biến rau quả tăng gần 95%...).
“Tháo gỡ khó khăn”
Trong các giải pháp, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh “đặc biệt cần điều chỉnh giảm lãi suất vay phù hợp với mức giảm của lạm phát; tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài đối với một số đối tượng doanh nghiệp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhà nước; đồng thời trình Quốc hội xem xét miễn giảm thêm một số loại thuế”.
Chính phủ cam kết áp dụng các giải pháp xử lý nợ phù hợp đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có tiềm năng phát triển nhưng đang gặp khó khăn tạm thời (cơ cấu lại nợ, giãn nợ, thay đổi thời hạn, lãi suất...). Xóa bỏ các rào cản đầu tư bất hợp lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh. Tập trung phát triển thị trường trong nước, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, đổi mới hệ thống thu mua, tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý...
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng
Thay mặt Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định với những khó khăn đang gặp phải “sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2012”.
“Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4-2012 tăng 4,3% là mức tăng thấp nhất trong vòng ba năm qua, báo động năng lực sản xuất đang suy giảm. Trong số 32 mặt hàng chủ yếu của ngành công nghiệp thì có đến 18 ngành có tốc độ tăng trưởng giảm” - ông Giàu cho hay.
Các ủy ban của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho tăng cao... Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá...

 

Ban hành các loại phí cần nghiên cứu thận trọng
Việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng. Thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, không gây khó khăn thêm cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân. Tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.
(Trích báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày)
LÊ KIÊN/TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.