Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Đã đến lúc... bán rẻ các công ty nhà nước?


preview

(Dân trí) - Để tái cơ cấu thành công doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đổi mới về chính sách tài chính còn phải đổi mới về công tác tổ chức cán bộ và cơ chế giám sát bởi những sai phạm vừa qua vừa do con người và vừa do cơ chế.
 >> DNNN thua lỗ: Thất bại của Ban kiểm soát?
 >> Giải thể và phá sản DNNN: Chuyện khó
 >> Các "đại gia" DNNN đang nợ ngân hàng hơn 400 nghìn tỷ

Hội thảo “Đổi mới cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước” do Bộ Tài chính chủ trì ngày 31/5 diễn ra trong một thời lượng khá dài với sự tham gia của các đại diện từ nhiều phía, bao gồm cơ quan nhà nước, các đối tác nước ngoài và phía các doanh nghiệp nhà nước.
 
Đã đến lúc... bán rẻ các công ty nhà nước?
Việc tái cơ cấu các DNNN đang được đặt ra nóng bỏng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đặt vấn đề về hoạt động thoái vốn của những Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khỏi các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính, trong đó có một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt nhất là lúc thoái vốn phải theo cơ chế thị trường, và đảm bảo bảo toàn hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, thế nào là hiệu quả thì vấn là một câu hỏi. “Hôm qua mua 1 hôm nay bán 1,1 đó là một cách hiểu về hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ cách đó là đơn thuần, mà bây giờ phải nói về tính hiệu quả toàn diện – tức bao gồm cả cái giá phải trả. Tôi nghĩ nếu đây là rủi ro trong kinh doanh thì chúng ta đành phải chấp nhận. Giá mua là 10 chúng ta chấp nhân bán ra 9, để có ngay vốn 9 ấy đầu tư vào ngành kinh doanh chính. Ít nhất về mặt lãi ngân hàng thì tính toán hiệu quả đã hơn rồi.
Cách hiểu thứ hai, thay vì để càng ngày thiệt hại càng càng lớn. Nếu chúng ta thoái vốn ngay thì thiệt hại có thể chỉ dừng lại là 10 nhưng nếu chậm thì thiệt hại đã lên tới 20 nghĩa là giảm thiệt hại đi đã là một cách làm hiệu quả” – Thứ trưởng Hiếu phân tích.
Tiếp nối luận điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, tính hiệu quả phải nhìn dài hạn chứ không chỉ nhìn trong ngắn hạn.
Ông dẫn chứng về một ví dụ thực tế lúc còn giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Lúc bấy giờ, Nghệ An đầu tư vào một nhà máy thực vật với số vốn bỏ ra 53 tỷ đồng, UBND tỉnh phải bảo lãnh vay ngoại tệ. Nhưng hệ quả là sau đó, năm nào tỉnh cũng phải khốn khổ vì nước ngoài giục nợ và năm nào cũng phải tìm nguồn ngân sách để trả nợ. Thời điểm đó, ông đã đề xuất phải bán ngay công ty này với điều kiện lỗ 22 tỷ đồng (bán ra 30 tỷ đồng) nhưng đề xuất này không được đồng ý.
“Tôi vẫn giữ quan điểm là phải bán nó đi để người khác kinh doanh hiệu quả hơn. Họ sẽ nộp thuế và khi họ hoạt động tốt, sau một vài năm nhà nước thu được khoản tiền hụt đó” – ông Tuyển nói.
Không phải muốn bán là bán được
Ý kiến của ông Tuyển ngay lập tức được nhiều đại biểu tham dự tán thành. Tuy nhiên, có một số vướng mắc về tiến trình thoái vốn mà theo như Phó Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri thì đến nay vẫn còn “tắc” ở chính quy định của Bộ Tài chính, tức là thoái vốn thì không được mất vốn, bán không được dưới giá sổ sách.
“Bây giờ thị trường như thế này, bán không được. Có người mua nhưng họ yêu cầu phải giảm giá, mà giảm giá lại vi phạm quy định. Nếu như bán lỗ thì doanh nghiêp không bao giờ dám bán để phải vào tù. Giám đốc họ không dám quyết, thà họ cứ để cổ phần đó 10 năm nữa”. Do vậy, theo ý kiến của ông Tri, Nhà nước cần phải năng động hơn trong cơ chế và phải cho phép doanh nghiệp làm thì họ mới dám làm.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, trong một buổi hội thảo mở, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Xuân Giá đã đưa ra đề xuất “bán, bán đứt thậm chí bán lỗ những công trình dự án đang xây dựng dở dang mà thấy rằng Nhà nước không cần phải làm hoặc tư nhân làm tốt hơn để dành tiền làm những việc cần thiết.”
Và cũng tại buổi hội thảo này, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra đánh giá “Nếu vẫn cứ tư duy theo hướng nhà nước kinh doanh kiếm lợi nhuận thì tôi khẳng định không thể bán được công trình hay doanh nghiệp nào đâu!”. Theo ông, nước nào cũng có doanh nghiệp quốc doanh, song tỷ trọng ít hơn ở Việt Nam, chỉ vào khoảng 4-5% GDP, khi  chiếm tới 7-8% GDP là họ đã tính đến phải bán ngay bớt đi rồi.
Trao đổi về vấn đề nay, chuyên gia kinh tế độc lập,TS Vũ Đình Ánh cũng đã bày tỏ ra quan ngại, trường hợp những doanh nghiệp, dự án nhà nước hoạt động kém hiệu quả sẽ gặp không ít khó khăn để mời chào người mua.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc bán dự án hoặc bán các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Phải tùy vào từng trường hợp và phải cân nhắc về nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp trước khi bán.
“Đổ vỡ là từ công tác tổ chức cán bộ”
Buổi hội thảo sáng nay các đại diện cũng “xoáy” sâu vào nội dung nhân lực. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nêu ra một thực tế, vẫn tồn tại quan niệm, nhân lực của DNNN có cả vạn vạn vạn, nghìn nghìn nghìn lao động nên đã dẫn đến hiện tượng tuyển dụng tràn lan, tuyển dụng kém chất lượng.  “Chúng ta cứ nói thừa thầy thiếu thợ nhưng theo tôi thừa là thừa về số lượng. Nếu thầy mà làm Chủ tịch HĐQT, làm tổng giám đốc thì tốt quá - thực tế là chưa nhiều, thậm chí là rất ít, tìm khó ra”.
Còn theo nhận xét của ông Tri, chính sách tài chính mới chỉ là điều kiện cần, con người mới là yếu tố quyết định đến sự thành công của tái cấu trúc.
Theo đó, phải đảm bảo tính chất lượng từ Chủ tịch, tổng giám đốc cho đến trưởng phòng, cán bộ công nhân viên. “Vừa rồi một số vụ việc xảy ra là từ một số cá nhân. Đổ vỡ chính từ cá nhân, từ công tác tổ chức cán bộ. Tôi đề nghị chính sách tài chính và chính sách cán bộ đi cùng với nhau thì chúng ta mới phát triển được. Nếu cơ chế vẽ ra rất đẹp nhưng người thực hiện không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức thì cũng không giải quyết được vấn đề” – ông Tri nói.
Trao đổi riêng với Dân trí, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam nói, những sự kiện không hay diễn ra vừa qua tại Vinashin và Vinalines có liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao cũng cần phải đánh giá theo mức độ tổng quát hơn. Một phần do cơ chế giám sát, một phần do cá nhân cán bộ, có những trường hợp do cơ chế lỏng lẻo nên tạo ra con người khiếm khuyết. Thực tế, rất khó tránh khỏi sự lạm quyền và tham nhũng ở bất cứ nhà nước nào, và một nhà nước tốt là một nhà nước hạn chế tối đa được sự lạm quyền và tham nhũng bằng những cơ chế giám sát, xử phạt chặt chẽ hơn.
Giao dự án song không giao vốn
Phó Tổng giám đốc EVN cũng nêu lên một tồn tại ở vấn đề vốn điều lệ ở các DNNN. Ông Tri đề nghị khi thành lập DNNN, Chính phủ phải cấp đủ vốn điều lệ tương xứng với nhiệm vụ được giao để có thể thực hiện được.
Ông cho biết, hiện trạng của EVN được giao nhiệm vụ phải thành lập thêm nhiều nhà máy song không được cấp thêm vốn, do đó phải dựa vào nguồn vốn vay. Do đó, tỉ lệ nợ quá 3 lần diễn ra rất nhanh.
Theo đó, Chính phủ cho phép EVN đi vay để thành lập thêm nhà máy và được bảo lãnh, kể cả phần vốn đối ứng. Điều này theo ông Tri là đã “phá vỡ hết tất cả mọi nguyên tắc về tài chính. Tôi đề nghị cơ chế tài chính sắp tới, doanh nghiệp nào Nhà nước cần giữ, phục vụ nhiệm vụ công ích thì Nhà nước phải cấp đủ vốn điều lệ và đảm bảo về tài chính để nó hoạt động. Còn nếu xác định là không cần nữa thì giải tán và bán đi”. 
Bích Diệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.