Một góc khu đất rộng hơn 4.000 m2 của con trai Bí thư Bùi Thanh Quyến tại Hải Dương. Để tránh những lình xình không đáng có, con đường lâu dài vẫn phải là minh bạch tài sản quan chức để người dân có thể giám sát - Ảnh: Hải Phong.
Việt Nam, tiếc thay, chưa có luật bảo vệ đời tư, ý tưởng chỉ mới được đại biểu Quốc hội vừa bị bãi nhiệm Đặng Thị Hoàng Yến đưa ra vào một kỳ họp Quốc hội gần đây. Nhưng, ngay cả khi đã có luật này, thì với tư cách một chính khách, chuyện tài sản liên quan đến gia đình ông được công chúng quan tâm cũng là điều dễ hiểu.
Không có gì khó hiểu khi ông Quyến, với tư cách là một bí thư tỉnh ủy và là đại biểu Quốc hội, nhận được sự quan tâm của công luận. Là đại biểu Quốc hội, ông đang đại diện cho cử tri Hải Dương tại Quốc hội trong khi về mặt Đảng, ông là Ủy viên Trung ương, với điều lệ Đảng xác định rõ việc “tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”.
Trên thế giới, không thiếu những tỷ phú trở thành quan chức. Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg, người vừa có chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 3/2012, được đánh giá là đang có tài sản lên tới 22 tỷ USD. Nhưng không ai thắc mắc về tài sản của Michael Bloomberg, khi ông là nhà sáng lập kiêm cổ đông chính của hãng tin tài chính khổng lồ Bloomberg. Trước khi bước vào chính trường, ông đã là tỷ phú và với chức danh thị trưởng, ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm.
Tương tự như Bloomberg, nhiều quan chức - tỷ phú bắt đầu hành trình chính khách của họ khi đã là… tỷ phú. Sự giàu có của họ đã được xây dựng từ sự nghiệp kinh doanh hoặc thừa kế và phần nào đó, chính những thành công trong kinh doanh đã tạo ra uy tín chính trị cho họ.
Hành trình ngược lại, từ quan chức trở thành tỷ phú, là một câu chuyện khác hẳn. Đơn giản là, khi trở thành quan chức, mọi thay đổi về tài sản liên quan đến quan chức sẽ được dân chúng giám sát một cách chặt chẽ; và với riêng cá nhân họ, ngay cả khi nhận mức lương đặc biệt, tài khoản của các quan chức dẫu là cấp cao cũng không thể nào gia tăng một cách nhanh chóng. Tổng thống vừa đắc cử của Nga là Vladimir Putin cũng chỉ có thu nhập khoảng 500 nghìn USD trong vòng bốn năm qua, dẫu đó là thời gian ông làm Thủ tướng Nga. Với bất kỳ quan chức nào, nếu không có “lịch sử” là một doanh nhân hay có nguồn gốc thừa kế đặc biệt nào đó, việc chứng minh tính hợp pháp của một khối tài sản có giá trị lớn là khó khả thi.
Khi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, rằng nếu các nhà báo muốn tìm hiểu sự thật về “tư dinh tiền tỷ” được xem là của con trai ông (một cán bộ cấp trưởng phòng đang làm việc tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương) thì hãy “tự tìm hiểu lấy”, Bí thư Bùi Thanh Quyến có lẽ cũng đã cảm nhận được điều này.
Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam gần đây, cố vấn chính sách về phòng chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), ông Jairo Acuna-Alfaro, nói ở các nước người dân có thể tìm hiểu, tra cứu thu nhập của quan chức. Thậm chí, trong danh sách các quốc gia đã áp dụng điều này có cả các quốc gia trong khu vực như Philippines, Thái Lan...
Ông Jairo Acuna-Alfaro cho rằng nếu người dân không truy cập được thông tin hoặc tham gia giám sát việc kê khai tài sản, hoặc nếu pháp luật về vấn đề này không được thực thi một cách công bằng và hiệu quả, tác động của việc kê khai tài sản sẽ rất hạn chế, hàm ý rằng dẫu luật pháp Việt Nam hiện nay đã có quy định về kê khai tài sản, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu kết quả đó không được công khai.
Ở Hàn Quốc, biên bản kê khai tài sản của các quan chức cấp cao và cấp trung được chính phủ nước này công bố trên công báo quốc gia và người dân có thể tìm hiểu, truy cập thông tin này thông qua hệ thống thư viện công cộng. Báo chí cũng công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài sản này.
Nếu điều này được áp dụng tại Việt Nam, đơn giản là sẽ không có những lình xình quanh “tư dinh tiền tỷ” của gia đình ông Bùi Thanh Quyến. Nếu chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tư dinh, gia đình ông Quyến sẽ chẳng có gì phải phiền lòng trước các nghi vấn nảy sinh từ thông tin trên báo chí.
Theo Điều 8 của Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai thực hiện, các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cần đề ra các biện pháp và cơ chế yêu cầu công chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền về “những hoạt động bên ngoài, công việc, các khoản đầu tư bên ngoài hay tài sản và quà tặng” của mình.
Có thể nói rằng cho đến nay, Việt Nam đã có khung pháp lý mang tính toàn diện về kê khai tài sản. Ngoài Công ước đã ký kết với quốc tế, Việt Nam cũng đã có Nghị định số 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản và thu nhập.
Tín hiệu đáng mừng là một dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định này đã nêu vấn đề bản kê khai tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ công sẽ được công khai, chứ không còn được coi là một loại tài liệu đặt dưới sự quản lý của một cơ quan công theo chế độ bảo mật như hiện nay.
Đánh giá về điều này, trong một bài viết gần đây, tiến sĩ luật Nguyễn Ngọc Điện nói rằng đây là chỉ dấu cho thấy những người có trách nhiệm đã “nhận thấy và đang có những nỗ lực khắc phục các khuyết tật của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức đang vận hành, những khuyết tật đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quyết sách chống tham nhũng”.
Theo ông Điện, nếu không khai báo trung thực, thì người khai sẽ đương đầu với nguy cơ bị coi là tham nhũng và bị buộc tội một cách đương nhiên. Trái lại, với một bản kê khai đầy đủ, rõ ràng và đúng sự thật, người khai có được một lá chắn pháp lý bảo vệ mình chống các mưu toan bôi nhọ, vu khống!
Đối với quản lý nhà nước, bản kê khai tài sản, thu nhập sẽ thực sự là một công cụ phòng chống tham nhũng hữu hiệu, điều mà Đảng và Nhà nước vẫn đang nỗ lực và quyết tâm đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Để tránh những lình xình không đáng có như vụ “tư dinh tiền tỷ”, con đường lâu dài vẫn phải là minh bạch tài sản quan chức để người dân có thể giám sát, đúng như tinh thần mà Điều lệ Đảng đã xác lập.
Vneconomy
Tôi đã 'may mắn' đọc các bản kê khai tài sản của nhiều Lãnh đạo chóp bu và nhận thấy rằng họ là những nghươ 'NGHÈO' nhất thế giới, lương của họ chỉ từ 7 - 10 triệu đồng/tháng (tương dương 300 - 450 usd), tài sản của họ nhiều nhất như của một Phó Thủ Tướng thì cũng chỉ có 900 triệu đồng... Ấy vậy mà tại sao các Quý tử lại ăn chơi vung mạng ở khắp nơi từ miền đất hứa, đến xứ sở mù sương hay đầy hoa Anh đào nở, rồi la cà, thơ thẩn trên tháp Eiffel hay lễnh đễng trôi theo dòng sông Thames.... Thật đáng thương cho 'các đầy tớ của nhân dân'!!!!
Trả lờiXóa