Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

5 cách “bơm” vốn vào nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước



 Tính đến 29/5, theo cập nhật từ bản tin “Thị trường tiền tệ ngoại hối” của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất, hệ thống hệ thống ngân hàng vẫn đang nhuốm một màu hồng đẹp đẽ.
Hạ lãi suất tiền gửi xuống 9%/năm, thành lập công ty mua bán nợ nhà nước mua số nợ 100 nghìn tỷ đồng...
Đó là những giải pháp được đưa ra tại cuộc họp nhóm 14 ngân hàng lớn nhất hệ thống, nhằm tìm cách đưa vốn vào nền kinh tế do Ngân hàng Nhà nước chủ trì vào sáng 31/5.
Ngân hàng đẹp như… tranh!

Tính đến 29/5, theo cập nhật từ bản tin “Thị trường tiền tệ ngoại hối” của một ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất, hệ thống hệ thống ngân hàng vẫn đang nhuốm một màu hồng đẹp đẽ.

Cụ thể, nguồn cung tiền đồng trên thị trường tiếp tục dồi dào, kéo theo sự mất cân đối khi cung lớn hơn cầu. Các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng chỉ còn các kỳ hạn ngắn qua đêm và 2 tuần trong khi các kỳ hạn dài từ 1 tháng trở lên gần như biến mất khỏi hệ thống.

Lãi suất thị trường 2 vô cùng thấp, kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần phổ biến ở mức 1,5%/năm, từ 2 - 3 tuần chỉ còn 2% - 3%/năm trong khi 1 tháng là 4%/năm.

Trong ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy vào thị trường qua nghiệp vụ OMO 821 tỷ đồng nhưng hút về 402 tỷ đồng, bơm ròng 419 tỷ đồng.

Sự chênh lệch lãi suất giữa “đô” và “đồng” và một số yếu tố trợ lực khác tiếp tục kích thích những ai còn nắm giữ ngoại tệ bán ra, bồi đắp thêm nguồn cung trên thị trường, kéo theo lãi suất USD ổn định kể từ 19/3 đến nay. Lãi suất USD kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần ở mức 0,5% - 1,2%/năm; 2 tuần - 1 tháng là 1,2% - 2,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng chỉ 2,2% - 2,7%/năm.

Cũng trong ngày 29/5, thị trường chứng kiến phiên giao dịch ngoại tệ khá sôi động với khối lượng 300 triệu USD mua vào và 350 triệu USD bán ra; tỷ giá chỉ duy trì sự ổn định như nhiều tháng trước đó.

Đối với thị trường trái phiếu, không khí giao dịch tiếp tục trầm lắng vì các nhà đầu tư đang chờ đợi và nghe ngóng. Bởi thế, các kỳ hạn 2 năm - 3 năm - 5 năm, lãi suất lần lượt là 8,99% - 9,08% - 9,43%/năm.

Thị trường ghi nhận kết quả phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm - 3 năm - 5 năm - 10 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành đối với kỳ hạn ngắn 2 năm và 5 năm đã giảm 5 điểm cơ bản so với phiên đấu thầu ngày 11/5 trong khi khối lượng trúng thầu thấp.

Cụ thể: kỳ hạn 2 năm gọi 2.000 tỷ đồng nhưng chỉ trúng thầu 1.100 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm gọi 3.000 tỷ đồng nhưng trúng thầu 1.350 tỷ đồng; 5 năm: gọi 3.000 tỷ đồng nhưng chỉ trúng thầu 8.00 tỷ đồng…

Với những yếu tố trên, có thể nói hệ thống ngân hàng, ngoại trừ “mươi” ngân hàng trong diện “ốm yếu” đã bị khoanh vùng và “trị bệnh”, rất khó gây nhiễu thị trường như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước thì phần còn lại, đặc biệt là nhóm 14 ngân hàng lớn nhất hệ thống, tạm gọi là “G14” sở hữu nhiều chỉ số đẹp như trong tranh mà đầu tiên là sự dư thừa thanh khoản như nói trên.

Điều này không chỉ được minh chứng qua lãi suất, qua cung cầu vốn trên thị trường 2 mà còn từ con số do Ngân hàng Nhà nước công bố tại cuộc họp “G14”: tính đến hết tháng 5/2012, số dư tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước đã vượt lên so với mức quy định tới 40 nghìn tỷ đồng!

Tiếp đó, quan sát diễn biến tỷ giá và xa hơn là sự cân bằng cán cân thanh toán tổng thể, cho thấy xu hướng ổn định vẫn tiếp tục và nhiều nhà phân tích dự báo rằng, triển vọng này vẫn được duy trì thêm một thời gian dài.

Đối với thị trường vàng dù vẫn chênh lệch cao hơn so với giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng nhưng sự “tác oai, tác quái” của chúng đối với thị trường ngoại tệ gần như không còn.

Nhưng hệ thống ngân hàng đẹp để làm gì khi mà tại cuộc họp “G14” diễn ra sáng 31/5, một con số được nhà điều hành cho biết là tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn âm 0,2% so với 31/12/2011?

Tăng tín dụng bằng cách nào?


Tại cuộc họp “G14” nói trên, nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng như mục tiêu Chính phủ đã đặt ra, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số giải pháp tương đối quyết liệt.

Thứ nhất, sẽ điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn xuống còn 9%/năm và có thể đây là lần điều chỉnh cuối cùng từ nay đến hết năm trong khi đối với trần lãi suất tiền vay, có thể được ấn định ở mức 12% - 13%/năm. Điểm khác biệt ở đây là lãi suất tiền gửi chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn (dưới 1 năm), còn trung và dài hạn cho phép ngân hàng thương mại tự thỏa thuận với khách hàng.

Tuy nhiên, điều này khó tránh khỏi tình trạng lách luật vì thiếu chế tài. Những ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản, có thể biến những khoản tiền gửi ngắn hạn sang trung, dài hạn để hút vốn và đó là tiền đề cho sự lộn xộn trên thị trường mà Ngân hàng Nhà nước đã bỏ nhiều công sức để dẹp bỏ lâu nay. Nhất là khi số ngân hàng này hầu như không thể vay vốn trên thị trường 2 do bị mất niềm tin dù lãi suất ở mức rất thấp như nói trên.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như “tam nông” và một số lĩnh vực khác.

Thứ ba, yêu cầu tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất cho vay đối với những hợp đồng cũ để giảm tải chi phí cho khách hàng; điều kiện cho vay không nên quá chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo chuẩn tín dụng.

Thứ tư, để giải bài toán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập công ty mua bán nợ với số nợ mua có thể lên tới 100 nghìn tỷ đồng. Mục đích của giải pháp này nhằm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại cũng như của doanh nghiệp và nhờ đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế, tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Chính phủ thành lập quỹ hỗ trợ cho vay đối với những đối tượng thu nhập trung bình để họ mua nhà ở. Khả năng này một mặt nhằm giải tỏa một lượng lớn tài sản là bất động sản đang nằm bất động, mặt khác, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Có thể những giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra sẽ dần từng bước khơi thông lại dòng vốn từ ngân hàng và doanh nghiệp, nhưng chúng có phải là giải pháp căn cơ và điều căn bản là có thiết lập trở lại niềm tin nơi thị trường hay không, thì vẫn còn phải chờ.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại lớn tại Hà Nội nói: “Trước đây, chỉ vài cú điện thoại là tiền cứ thế mà đi đến, nhưng bây giờ, các giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng; giữa doanh nghiệp với nhau hầu như không còn niềm tin mà dựa vào “bạc mặt”!”.

Theo ông, khái niệm “bạc mặt” chính là “tiền mặt” nhưng cũng ẩn ý rằng, sự đình đốn sản xuất, niềm tin bị mai một đang làm cho cả ngân hàng và doanh nghiệp bạc cả mặt!

Cũng có chuyên gia cho rằng, các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra là rất cần thiết nhưng mới là giải pháp mang tính tình thế. Điều cốt yếu nhất hiện nay là xác lập niềm tin cho thị trường. Chừng nào niềm tin chưa được xác lập thì các lực lượng kinh tế của thị trường vẫn tiếp tục bất động và tất nhiên: dù dễ trăm lần nhưng không dân, cũng đành chịu!
Anh THơ
VNEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.