Như báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phản ánh, người
Trung Quốc sử dụng mặt nước vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) để nuôi tôm, cá.
Tiếp tục tìm hiểu về tình trạng này, chúng tôi được biết, lồng bè nuôi
cá của người Trung Quốc tại vịnh Cam Ranh đã từng bị cơ quan chức năng
xử phạt nhiều lần, nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Bè cá của người Trung Quốc trên vịnh Cam Ranh.
|
Chiều 31.5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã có công
văn khẩn yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Cam Ranh kiểm tra vấn đề báo
nêu (tình trạng người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh) và công tác
quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố. Uỷ ban nhân dân thành
phố Cam Ranh phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trước ngày 8.6.2012. Hiện
đang có nhiều đoàn cấp tỉnh Khánh Hoà và thành phố Cam Ranh kiểm tra,
xử lý những lồng bè này.
Kẽ hở pháp luật
Ngày 31.5, ông Lê Văn Dũng, phó chánh thanh tra sở Nông
nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà cho biết, thanh tra sở
vừa phối hợp với cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an
tỉnh kiểm tra các tàu cá hoạt động trên vùng biển Cam Ranh; đồng thời
kiểm tra những lồng, bè của người Trung Quốc nuôi trồng thuỷ sản ở vịnh
này.
Bước đầu qua kiểm tra một bè nuôi cá của người Trung
Quốc tại vịnh Cam Ranh cho thấy, bè này do một người tên Dũng có hộ khẩu
tại TP.HCM đứng tên. Khi kiểm tra, trên bè đang có ba người Trung Quốc.
Bè này gồm nhiều bè ghép lại với nhau rất kiên cố, rộng khoảng 500m2
nuôi cá bớp, cá chim...; một số con cá mú cỡ 0,5 – 0,6kg phơi trắng
bụng, lở loét và chết. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều sai
phạm tại lồng bè này, như một số thức ăn nhãn mác hoàn toàn bằng tiếng
Trung mà không có nhãn phụ tiếng Việt.
Vịnh Cam Ranh là một cảng biển nước sâu tự nhiên được xem là tốt nhất ở Đông Nam Á. Vì địa thế chiến lược nên Cam Ranh được sự chú ý về mặt quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ... đã từng dùng một phần Vịnh Cam Ranh làm căn cứ. |
“Chúng tôi đã mời chủ bè trình diện, xuất trình hồ sơ
nguồn gốc, xuất xứ của cá giống cũng như thức ăn. Thế nhưng họ không trả
lời được câu hỏi nguồn gốc cá giống từ đâu ra... Do vậy trước mắt, chắc
chắn chúng tôi sẽ xử lý sai phạm khi họ sử dụng thức ăn thuỷ sản nhưng
lại không có tiếng Việt. Mặt khác, chúng tôi sẽ yêu cầu họ làm rõ, loại
thức ăn này có hàm lượng ra sao, Việt Nam có cho phép lưu hành hay
không?”, ông Dũng nói.
Cá mú chết trong lồng bè của người Trung Quốc.
|
Cũng theo ông Dũng, đây là lần đầu tiên Khánh Hoà phát
hiện thức ăn thuỷ sản không có nhãn phụ. Và việc nuôi cá của người Trung
Quốc trên vịnh như vậy có rất nhiều ảnh hưởng. Chẳng hạn, nguồn gốc cá
không quản lý được có thể dẫn đến sinh vật ngoại lai vào Việt Nam gây
hại, phát tán môi trường, phá vỡ quần thể tự nhiên. Nếu không kiểm soát
được dịch bệnh, thì bệnh dịch sẽ ảnh hưởng cả vùng nuôi xung quanh. Tuy
nhiên, theo ông Dũng, điều quan quan trọng hơn là “năng lực thực thi
pháp luật của chúng ta cần phải đảm bảo và phải được tuân thủ, không thể
buông lỏng”.
Một quan chức cho biết, theo quy định nếu doanh nghiệp
muốn làm lồng bè thì phải có dự án đầu tư, được giao mặt nước, cùng
nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Thực tế tại Khánh Hoà đang cho
nhiều doanh nghiệp nước ngoài nuôi thuỷ sản và họ chấp hành các quy
định. Riêng tại vịnh Cam Ranh, việc người Trung Quốc núp bóng người Việt
để nuôi cá là “một kẽ hở của pháp luật”.
Xây dựng nhà máy tàu quân sự tại Cam Ranh
Ngày 31.5, tại căn cứ quân sự Cam Ranh,
tỉnh Khánh Hoà, bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã khởi công xây dựng nhà
máy X52. Nhà máy này được đầu tư xây dựng mới với công nghệ hiện đại.
Đây là nhà máy sửa chữa tàu biển lớn nhất
từ trước tới nay của Quân chủng hải quân, có nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật
tàu thuyền quân sự hoạt động tại khu vực biển miền Trung, Trường Sa, DK;
sửa chữa tới cấp vừa các tàu ngầm, tàu tuần tiễu... Việc xây dựng nhà
máy X52 đánh dấu bước phát triển mới trong đóng mới và sửa chữa những
con tàu có tải trọng lớn với yêu cầu kỹ thuật cao. Đồng thời, sẽ phát
huy tối đa lợi thế trong phát triển công nghiệp đóng tàu chất lượng cao
cho nhiệm vụ quốc phòng, góp phần thực hiện mục tiêu hội nhập quốc tế
sâu rộng của ngành đóng và sửa chữa tàu biển Việt Nam.
Lê Anh
|
Tiến hành kiểm tra
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thanh tra sở Nông nghiệp
và phát triển nông thôn từng kiểm tra nhắc nhở và xử phạt bè nuôi cá của
người Trung Quốc. “Chúng tôi biết người Trung Quốc đầu tư nuôi cá tại
vịnh Cam Ranh từ lâu, theo tôi cũng 3 – 4 năm nay rồi. Nhưng chúng tôi
chỉ là thanh tra thuỷ sản về chuyên ngành, phát hiện họ làm sai thì đã
và sẽ bị xử lý. Trong khi đó, gần sát bè cá người Trung Quốc có trạm
kiểm soát biên phòng cửa khẩu, đồn biên phòng Cam Ranh, rồi chính quyền
địa phương... “Hơn nữa, vùng biển Cam Ranh là vùng nhạy cảm, nên chúng
tôi nghĩ công an, biên phòng nắm kỹ tất cả các đối tượng người nước
ngoài vào rồi. Thế nên mình nghĩ họ đầu tư nuôi cá ở đó là hợp pháp”,
ông Dũng phân bua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND
thành phố Cam Ranh cho biết thành phố đang tiến hành kiểm tra, khảo sát
tất cả các đối tượng nuôi trồng trên vịnh Cam Ranh. Ông Sơn nói: “Nếu
người nước ngoài thực hiện nuôi cá tại vịnh thì phải chấp hành đúng các
quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, phó phòng Kinh tế thành phố Cam Ranh
Trần Văn Ớt cho hay năm 2008, thành phố đã xử phạt bè nuôi cá của người
Trung Quốc tại đây vì không có giấy phép và yêu cầu họ làm thủ tục,
nhưng đến nay vẫn chưa xong, chưa thực hiện. “Lần này chúng tôi sẽ xử lý
kiên quyết hơn”, ông Ớt khẳng định.
Như vậy, có thể nói với điều kiện tự nhiên thuận lợi,
vịnh Cam Ranh hiện có đến 300ha mặt nước cá mú (nhiều nhất nước) và
15.000 lồng nuôi tôm hùm. Mỗi năm tại đây cung cấp hàng ngàn tấn thuỷ
sản cao cấp cho thị trường, tuy nhiên hầu hết đều được các đầu nậu thu
mua xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Đặc biệt, tình trạng người
Trung Quốc “núp bóng” nuôi cá tại một vịnh có vị trí quan trọng này diễn
ra từ lâu, nhưng chính quyền vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt khoát,
hoặc mới dừng lại ở lời hứa “sẽ xử lý”. Bằng chứng cụ thể là ở khu vực
lồng bè có người Trung Quốc hoạt động có nhiều lực lượng quản lý nhưng
lại lúng túng trong phân cấp xử lý, và không rõ ai là người phải chịu
trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này.
bài và ảnh: Lê Anh
Chiều 31.5, đại uý Mã Thiện Hùng, phó
trưởng công an thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau) cho biết, lại có
thêm một trường hợp trình báo bị thương lái Trung Quốc giật nợ mua cua.
Như vậy, đến nay con số nợ mua cua của thương lái người Trung Quốc với
khoảng mười đại lý cua tại Năm Căn là trên 9,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, thông
tin từ các đại lý thu mua cua tại địa phương cho rằng, con số nợ thực
tế còn có thể cao hơn nhiều vì một số trường hợp bị giật nợ vẫn chưa có
đơn tố cáo với cơ quan công an.
Theo ông Hùng, đây chỉ là bước thống kê ban
đầu con số nợ thực tế tại địa phương thông qua các đơn tố cáo của phía
bị giật nợ. Song biện pháp xử lý vẫn chưa thể xác định được vì “đối tác”
– người Trung Quốc, chưa quay lại địa phương.
Như đã thông tin, thời gian qua một số
thương lái Trung Quốc như Wang Juanmei (tự A Kiều, sinh năm 1974), bằng
hộ chiếu du lịch đã đến Cà Mau tìm tới các đại lý cua để thu gom cua
xuất khẩu đi Trung Quốc. Nhưng thương lái này đã chuồn mất khi chưa kịp
thanh toán tiền mua cua cho các đại lý.
Ngọc Tùng
SGTT.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.