Sau sự kiện sữa nhiễm melamine năm 2008, lòng tin của người tiêu dùng hầu như không có cơ hội phục hồi bởi hàng loạt vụ bê bối thực phẩm bẩn diễn ra liên tục ở Trung Quốc
Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Viện An toàn thực phẩm và dược phẩm Thượng Hải cùng ĐH Khoa học và Kỹ thuật Đông Trung Quốc, hơn 70% người được hỏi cho rằng, thực phẩm trong nước không an toàn. Trong số đó, có tới gần 28% chọn phương án "cực kỳ mất an toàn". Những người tham gia khảo sát khẳng định, mối lo lắng hàng đầu của họ là về chất lượng thịt trong nước, tiếp đến là các sản phẩm sữa.
"Dù trong nước có rất nhiều loại sữa bột khác nhau nhưng chẳng mấy ai dám giao cả tính mạng của con cái mình cho những nhà sản xuất sữa nội địa", Yang Bin, người cha của một bé gái hai tháng tuổi chia sẻ.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng ái ngại với thực phẩm của chính nước họ. |
Bên cạnh đó, hơn 50% số người được hỏi cho rằng, công tác kiểm tra và giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng chỉ là qua loa, đại khái và không đáng tin cậy. Khoảng 27% cho rằng việc giám sát của nhà nước vẫn còn quá yếu. 66% thì khẳng định hình thức xử phạt những hành vi vi phạm vẫn còn nhẹ và cần chế tài mạnh hơn.
Kết quả thăm dò cũng cho thấy, truyền hình và phát thanh vẫn là những kênh chính mà người dân tiếp nhận các thông tin về thực phẩm. Gần 32% cho rằng, quảng cáo thực chất chỉ là một công cụ marketing. Nó không thể đảm bảo sản phẩm được quảng cáo là chất lượng.
Sự mất lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc có thể thấy rõ qua việc mới đây một trang web cảnh báo thực phẩm độc hại đã sập mạng vì có quá nhiều người (350.000 lượt) truy cập tìm hiểu. Nó chỉ được phục hồi sau khi được tăng cường thêm một máy chủ.
Trang web có tên "Trì xuất song ngoại" (ném qua cửa sổ) ghi nhận 2.300 vụ bê bối về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc từ năm 2004, mô tả chi tiết từng vụ việc, số nạn nhân, nơi diễn ra, theo đó Bắc Kinh chiếm đầu bảng nơi có nhiều thực phẩm bẩn nhất, Thượng Hải đứng hạng 4.
Tác giả trang web là một sinh viên cao học Khoa Sử ĐH Phục Đán, Thượng Hải. Bức xúc trước những vụ bê bối lớn như sữa nhiễm melamine, thịt heo chứa clenbuterol, dầu ăn nước cống..., tháng 6/2011, sinh viên này hoãn thi tốt nghiệp một năm để dành thời gian thiết lập trang web nói trên giúp người tiêu dùng nắm được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và yêu cầu chính quyền hành động cấp tốc để cải thiện tình hình.
Phản ứng trước thái độ tiêu cực của người tiêu dùng trong nước, Chính phủ Trung Quốc thiết lập các trung tâm kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại 31 tỉnh, thành, 218 quận, huyện và 312 xã, phường trên quy mô toàn quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế là có quá nhiều cơ quan chịu trách nhiệm đã tạo nên sự chồng chéo trong quản lý, khiến công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở Trung Quốc không đạt hiệu quả.
(Theo Đất Việt/Shanghai Daily)
Đọc bài viết mà thấy buồn cho cảnh người dân Việt ta: Người ta thì chê, còn ta thì nhập về, năm 2011 nhập hơn 1 tỷ USD thực phẩm về để tự đầu độc giống nòi! Than ôi, vậy thì làm sao mà dân Việt không ngày càng bị mắc bệnh Down nhiều lên???
Trả lờiXóa