Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Lòng tự trọng của xã hội đang bị đưa ra làm trò cười?

Cách đây mấy năm, báo chí nói về một cán bộ quản lý phạm tội tham nhũng khi bị Tòa tuyên án vẫn "nở" một cái cười như chẳng có chuyện gì thậm chí là một cái cười nghênh ngang. Đó chính là một cú đấm thẳng mặt của sự xỉ nhục vào lòng tự trọng của toàn xã hội.
"Cái cười" của kẻ ăn cắp đó tựa như lời tuyên bố láo xược và như một thách thức trắng trợn của một lối sống phi nhân cách trước xã hội. Trước kia, một người ăn cắp một ổ trứng gà bị phát hiện đã bỏ làng đi vì xấu hổ. Ngày nay, có những người ăn cắp hàng chục tỷ đồng của tập thể vẫn "nhe răng cười". Sự thật này nói với chúng ta một cách rõ ràng và logic rằng: lòng tự trọng của xã hội đang bị đưa ra làm trò cười.
Hình minh họa
Hình minh họa
Trong những năm tháng chiến tranh, con người Việt Nam phải chịu biết bao mất mát, đau thương và sống trong đói nghèo, nhưng cũng trong những năm tháng ấy, lòng tự trọng của những cá nhân con người Việt Nam cho đến lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam đã làm nên tư cách của mình. Một người trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với tổ quốc như đóng thuế, tham gia quân đội... sẽ là sự hổ nhục của cả gia đình, dòng họ và cũng là sự hổ nhục của cộng đồng nhỏ anh ta sinh sống trong đó như làng xóm hoặc khối phố.
Nhưng bây giờ, trong một đời sống vật chất có thể nói được cải thiện gấp cả trăm lần thì lòng tự trọng kia lại giảm đi cả trăm lần. Chúng ta từng chứng kiến có những người vi phạm luật pháp và ăn cắp tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà vẫn sống với thái độ như chẳng có chuyện gì.
Pháp luật của Nhà nước đã không tha cho những hành động phạm pháp như thế. Nhưng chúng ta phải nhận thức ngay rằng lòng tự trọng hay nói cách khác là nhân cách sống của xã hội đã và đang bị nhạo báng và phá vỡ ở những chỗ nào đó rất quan trọng trong cấu trúc đạo đức xã hội. Và đến lúc này, chúng ta phải vứt đi lòng tự ái vặt để nói với nhau rằng: Môi trường sống của xã hội chúng ta đang có những vấn đề nhiễm độc trầm trọng.
 
Chúng ta chỉ lấy ví dụ về hai thành phần của xã hội ở mọi quốc gia là thầy thuốc và thầy giáo. Đấy là hai thành phần mà cái xấu khó xâm nhập nhất. Hai thành phần này là đại diện cho nhân cách của mọi quốc gia. Nhưng khoảng mươi năm trở lại đây, có những hình ảnh của thấy thuốc và thầy giáo đã làm cho cả xã hội kinh hoàng.
 
Một giám đốc bệnh viện nói: số y, bác sỹ nhận tiền của bệnh nhân chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh. Một cán bộ quản lý giáo dục nói: số thầy, cô đánh đập học sinh, đổi tình lấy điểm... chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh. Đúng vậy. Tỷ lệ theo số đếm của những thầy thuốc, thầy giáo mất nhân cách chiếm rất nhỏ so với số lượng thầy thuốc và thầy giáo hiện có. Nhưng tỷ lệ của sự suy đồi thì tăng vọt. Nó cho thấy số lượng những con người suy đồi trong hai thành phần đặc biệt nhất của xã hội đang tăng lên còn mức độ suy đồi thì còn tăng hơn nữa. 
 
Đấy là những ví dụ cụ thể về lòng tự trọng của con người mà chúng ta có thể quy thành tội theo các điều khoản của luật pháp. Nhưng bên cạnh đó, sự thiếu tự trọng của chúng ta còn thể hiện ở nhiều nơi trong đời sống xã hội cho dù sự thiếu tự trọng đó chưa kết thành tội. Đó chính là một lối sống cẩu thả và bừa bãi mà mỗi người chúng ta nhắm mắt lại cũng có thể liệt kê ra một con số không nhỏ.
 
Những điều đó được thể hiện trong lối sống và trong thái độ ở các công sở, ở rạp hát, ở công viên, ở đường phố, ở bến tàu, bến xe... và ở ngay cả những chốn linh thiêng như đền, chùa hay các di tích văn hóa và lịch sử khác. 
 
Bản chất của vấn đề không có gì khác giữa sự tự trọng của một cá nhân vô danh và một quốc gia cho dù rộng lớn đến nhường nào. Lòng tự trọng hay nói một cách khác là tư cách của một con người hay một quốc gia không phụ thuộc vào sự giàu nghèo của cá nhân đó hay quốc gia đó trong một giai đoạn nào đó. Một doanh nghiệp không có lòng tự trọng sẽ không bao giờ làm nên thương hiệu.
 
Bởi thiếu tự trọng, họ sẽ cho ra đời những sản phẩm của sự vô trách nhiệm. Và những sản phẩm như thế sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài hay có khả năng chinh phục xã hội.
 
Một dân tộc không có lòng tự trọng sẽ mãi mãi phụ thuộc như một thứ nô lệ vào dân tộc khác. Một dân tộc không có lòng tự trọng không có khả năng hiện thực hóa giấc mơ độc lập, tự do, văn minh và phồn thịnh của mình. Một dân tộc đánh mất lòng tự trọng trước sau gì cũng sẽ dẫn đến mất nước mà không hề hay biết gì.
 
Nguyễn Quang Hiếu
Theo PLVN

1 nhận xét:

  1. Nếu một đất nước có lòng tự trọng thì nạn tham nhũng có thể hoành hành được không? Một xã hội mà có cả'bấy sâu' đục khoét, trộm cắp... liệu có thể có lòng tự trọng được chăng????? Thương thay cho những con người biết sống có lòng tự trọng thì chẳng khác kẻ có hai con mắt lọt vào xứ sở của kẻ chột!

    Trả lờiXóa

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.