Chiều 7/6, Tổng thanh tra Chính phủ đã có báo cáo trước Quốc hội về kết
quả thanh tra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Theo Tổng
thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, công tác thanh tra tại Vinalines
tập trung vào hoạt động của doanh nghiệp này giai đoạn 2007 - 2010, với 3
nội dung là: đầu tư mua sắm tàu; xây dựng cảng biển, các cơ sở hạ tầng
khác và vấn đề đầu tư tài chính dài hạn. Trên cơ sở 3 nội dung này, cơ
quan thanh tra đã phát hiện 3 vi phạm chính của Vinalines.Thứ nhất là đầu tư dài hạn lớn, dàn trải và nóng vội, chủ yếu bằng vốn vay chiếm tỷ lệ rất cao. Trong tổng nguồn vốn và tổng tài sản của Vinalines hiện tại là 48.000 tỷ đồng, đầu tư dài hạn đã chiếm tới 82%.
Vi phạm thứ hai là do tình hình khó khăn chung của ngành vận tải biển nên hiệu quả khai thác tàu thấp và quá trình quản lý, vận hành tàu phân tán và manh mún.
Cùng với đó là những vi phạm trong c đầu tư cảng biển, cơ sở hạ tầng giai đoạn 2007 - 2010… không đạt kế hoạch đề ra, chậm tiến độ và phát huy hiệu quả kém.
Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn trên, Vinalines vẫn duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng mức độ càng về sau càng kém.
Cụ thể, năm 2007 lợi nhuận sau thuế là 934 tỷ đồng, năm 2008 lợi nhuận sau thuế là 1.272 tỷ đồng, năm 2009 là 381 tỷ đồng, nhưng năm 2010 chỉ có 114 tỷ đồng.
Tổng thanh tra cho biết, do chỉ làm đến 2010 nên kết quả của 2011 và 2012 chưa tổng hợp được, song theo thông tin mà cơ quan này có được thì sang năm 2011, tổng công ty này bắt đầu lỗ.
Trong đánh giá của mình, Thanh tra Chính phủ khẳng định “hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vinalines giảm dần và hiện nay rất nhiều khó khăn, cần phải được cơ cấu lại”.
Liên quan đến các sai phạm cụ thể, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, qua thanh tra đã phát hiện một vụ vi phạm pháp luật trong việc mua vụ ụ tàu nổi với 4 sai phạm chính.
Thứ nhất là toàn bộ dự án sửa chữa tàu phía Nam ụ tàu nổi là chưa có quy hoạch. Dù Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đồng ý cho làm, nhưng theo quy định là phải bổ sung quy hoạch và khi duyệt quy hoạch thì mới được triển khai. Thứ hai là mua ụ tàu nổi 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định tại Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ.
Sai phạm tiếp theo là mua tàu khi chưa có đơn vị nào cam kết tài trợ và mua tàu giá rất cao, giá bình quân là 70% giá đóng tàu mới của thế giới, trong khi tàu đã vượt 28 tuổi.
Cuối cùng là chậm đưa vào khai thác, trong khi trị giá ụ tàu lên tới 489 tỷ đồng nhưng vẫn để “đắp chiếu” khiến những chi phí khác lên đến trên 24 tỷ đồng và hiện nay hàng tháng phải chi 1,6 tỷ đồng chi phí, trong khi ụ tàu chưa hoạt động.
Cũng theo Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh, những vi phạm của Vinalines, đơn vị này đã chuyển cơ quan điều tra và cũng đã khởi tố những sai phạm của cá nhân và tổ chức liên quan đến sửa chữa tàu biển. Tuy nhiên, hiện Thanh tra Chính phủ đã và đang mở rộng, làm rõ thêm vụ mua ụ tàu nổi, đồng thời kiến nghị khởi tố bổ sung để làm rõ những vụ sai phạm trong mua việc tàu và quản lý tàu.
Trước đó, trong phần giải trình của mình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, cơ quan này đã tổ chức thực hiện rất nhiều cuộc thanh tra, trong đó có 5 đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty: Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Theo kết quả thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế này, cơ quan thanh tra đã phát hiện vi phạm của các tập đoàn và tổng công ty này lên tới trên 30.000 tỷ đồng, với 5 dạng vi phạm chủ yếu, gồm: sai quy trình, thủ tục theo các quy định của nhà nước; sai thẩm quyền; sai đối tượng cho phép; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận không đúng với bản chất của hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và cuối cùng là do trình độ quản lý doanh yếu kém.
Theo Bảo Anh
VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.