Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Ông Lê Văn Học: "Đề án tái cơ cấu kinh tế chỉ mới là công trình lý thuyết”

Một cầu dây văng bằng hai cầu bê tông; ngành thép đang khủng hoảng thừa; Vinalines giảm mức đầu tư 32.000 tỷ đồng trong vài ngày; PVN đầu tư ra nước ngoài 1,3 tỷ USD mang lợi nhuận về 38,8 triệu USD.
Trong phiên thảo luận sáng nay về tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Lê Văn Học cho rằng, “đây chỉ mới là công trình lý thuyết tổng quát về tái cơ cấu kinh tế. Trong điều kiện Việt Nam, đề án cần phải cụ thể hóa rất nhiều nội dung mới triển khai được.”

Theo ông trong quá trình tái cơ cấu chúng ta phải triệt để khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp, tốn kém, lãng phí, thiếu đồng bộ trong những năm vừa qua. Bởi:

Thứ nhất, Trong lĩnh vực xây dựng các công trình cầu đường bộ giao thông, suất đầu tư đường bộ, cao tốc ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước khác từ 1,5 – 2 lần. Theo số liệu điều tra, đầu tư đường cao tốc ở Trung Quốc bình quân là 6 triệu USD/km, ở Mỹ 8 triệu USD/km.

Trong khi đó ở Việt Nam, đường Láng Hòa Lạc 30km,  sử dụng khoảng 7.500 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư là 12 triệu USD/km; đường Hồ Chí Minh – Trung Lương 4 làn xe suất  đầu tư hết 9,9 triệu USD/km, đường Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Dây dự toán là 18,3 triệu USD/km trừ kinh phí xây dựng cầu và giải phóng mặt bằng còn 13 triệu USD/km; cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang thi công 100 km, suất đầu tư xấp xĩ 20 triệu USD/km.

Tại sao giá thành cao như vậy mà Việt Nam không tiết kiệm được?

Vì chúng ta sử dụng tư vấn giám sát, máy móc thiết bị đều của nước ngoài đặc biệt của nước cấp ODA nên rất tốn kém, lãng phí toàn bộ máy móc thiết bị khi thi công. Xe cộ, máy móc, ban quản lý dự án khi xong một công trình coi như khấu hao xong thay vì chúng ta nên thuê sau đó chuyển sang công trình khác. Nhà thầu không đủ năng lực, bỏ thầu giá thấp, sau đó chỉnh giá cao thậm chí đến 3 lần; chậm tiến độ đẩy  giá thành lên cao.

Chúng ta sử dụng nhiều kiểu dáng mới, kết cấu mới, kỷ lục mới không cần thiết. Ví dụ như Việt Nam xây dựng cầu dây văng rất nhiều, cầu dây văng 1 mặt phẳng như cầu Bãi Cháy, độ tĩnh không rất cao.

Chúng ta cũng thích kỷ lục mới như: khẩu độ phải lớn nhất thế giới – 435m (cầu Bãi Cháy), kinh phí tính toán để làm một cầu dây văng ở Việt Nam thường gấp 1,5 – 2 lần so với cầu bê tông cùng khẩu độ. Ngoài ra, kỹ thuật dây văng chúng ta chưa làm chủ được, phải mua nước ngoài, kể cả cân chỉnh dây văng sau mỗi lần tu sửa đều phải thuê nước ngoài.

Thứ 2, công nghiệp tàu thủy, hàng hải. Trong thời gian qua, chúng ta đã đầu tư dàn trải, không đúng mục tiêu gây thất thoát tài sản và vốn. Theo quy hoạch đã được phê duyệt ngành tàu biển Việt Nam – Vinalines từ năm 2011 – 2020 sẽ mua và đóng mới 160 con tàu tương đương cần 100.000 tỷ đồng.

Sau khi báo chí nêu, các nhà khoa học phản biện, Vinalines đã điều chỉnh tổng kinh phí đầu tư đội tàu xuống còn 68.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vài ngày quy hoạch đã thay đổi và giảm đến 32.000 tỷ đồng. Quy hoạch như trên chúng tôi khó mà tin tưởng được.

Thứ 3, đầu tư dàn trải ngành thép: Chúng ta đang khủng hoảng thừa do các địa phương đầu tư tràn lan, không đúng mục tiêu, nhu cầu thép cán nóng, thép không gỉ cần rất nhiều nhưng không có doanh nghiệp nào đầu tư.

Cả nước hiện nay có hơn 400 doanh nghiệp sản xuất thép, trong đó có 120 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng, chỉ có 26 doanh nghiệp nằm trong quy hoạch. Công suất thép năm 2012 đạt mức 9 triệu tấn, chưa kể  5 nhà máy có công suất 1,5 triệu tấn/năm đang đưa vào hoạt động, trong khi đó khả năng tiêu thụ thép dự báo trong năm nay và những năm sau chỉ khoảng 6 triệu tấn/năm. Như vậy, để xuất khẩu 3-4 triệu tấn thép/năm là điều không phải dễ dàng.

Thứ 4, về vốn đầu tư ra nước ngoài: theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 2/2011, đã có 570 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trên 55 vùng lãnh thổ, phần vốn đầu tư vượt 10 tỷ USD. Lợi nhuận đầu tư thấp hoặc chưa có lợi nhuận gì. Ngành dầu khí số  vốn đầu tư ra nước ngoài là 1,3 tỷ USD, nhưng số lợi nhuận chuyển về mới chỉ 38,8 triệu USD. 

Nhà nước rất khó kiểm soát các kiểu đầu tư như vậy, cũng như rủi ro là rất dễ xảy ra. Vì vậy, Việt Nam nên kiểm soát chặt chẽ đầu tư  sao cho tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và dàn trải, thận trọng để Việt Nam không phải là nơi thử nghiệm các kỷ lục mới, công nghệ mới trong xây dựng cơ bản, đặc biệt là trong công nghệ rất tốn kém.

Q. Nguyễn
Theo TTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.