Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Lãi suất chợ đen: 30% vẫn đắt khách


 Ngày 29.5 vừa qua, bà Kim Uyên một chủ sạp vải ở chợ Soái Kình Lâm đã mừng húm khi nghe bạn hàng – cũng là chủ cho vay, thông báo khoản vay của bà sẽ  giảm lãi suất 0,3%/tháng.


Tìm hiểu kỹ, thực ra tín dụng ở chợ chỉ thay đổi cách tính, khiến lãi suất thực giảm xuống. Cụ thể ngay khi vay 200 triệu đồng trong ba tháng, bà Uyên đã phải trả ngay phần lãi 3%/tháng, tương đương 18 triệu đồng, và khoản tiền bà nhận được chỉ còn 182 triệu đồng. Sau đó, bà đều phải trả lãi trước ngay từ đầu tháng, do vậy khoản vay không còn là 3%/tháng mà đã lên 3,3%/tháng. Còn với cách tính mới, trả lãi cuối tháng, thì bà không bị mất tiền ngay từ đầu và được trả đúng 3%/tháng.

Chỉ thay đổi cách tính, nhưng theo một số chủ cho vay và chủ sạp chợ, thì nhu cầu vay của tiểu thương đã tăng lên khá nhiều. Ông Lâm H, một chủ sạp kinh doanh quần áo may sẵn tại chợ An Đông, cho biết: “Tôi vừa mới vay 30 triệu đồng để bù đắp vào khoản thiếu hụt do buôn bán ế từ đầu năm đến giờ, hy vọng đến tết bán chạy hàng sẽ có tiền trả”. Ông Lâm H chấp nhận vay tín chấp với mức lãi 5%/tháng, lãi trả sau vào cuối tháng thay vì mang giấy tờ xe hoặc giấy tờ nhà ra thế chấp (thì lãi chỉ có 3%/tháng), vì cho rằng khoản vay này quá nhỏ so với giá trị của nhà, xe SH và cũng không muốn cho người nhà biết.

Việc ngân hàng giảm lãi suất huy động chỉ còn 11%, giảm lãi suất cho vay còn từ 14,2 – 16% đang có những tác động đến thị trường tín dụng bên ngoài. Chẳng hạn như một số người có tiền dư lại rút tiền từ ngân hàng ra cho người quen biết vay để có lãi cao hơn. Bà Lê Thị Tuyền, bán hàng ở chợ Bến Thành đã rút vốn 800 triệu đồng cho một người quen vay với mức lãi 3%/tháng

Bà Tuyền cho biết: “Trước đây cho vay bên ngoài rất sợ bị mất, nhưng hiện nay cho vay bên ngoài cũng đòi hỏi phải có giấy tờ, tài sản thế chấp rõ ràng chứ không chỉ có tín chấp”. Cụ thể, người vay đã giao cho bà Tuyền toàn bộ giấy tờ của căn hộ chung cư đang xây trị giá 1,1 tỉ đồng (theo nội dung ghi trên hợp đồng) ở quận Bình Thạnh, hai bên làm giấy tờ cam kết với nhau ghi rõ nếu quá hạn trong ba tháng bên vay không trả nợ thì bên cho vay có quyền bán căn nhà trên. Chưa bàn đến việc các giấy tờ này đúng luật ra sao, nhưng chí ít, việc người vay sẵn sàng có thế chấp để tìm đến loại tín dụng này cho thấy hệ thống tín dụng ngoài ngân hàng vẫn phát triển, khi mà hệ thống ngân hàng chưa đáp ứng tốt nhu cầu vốn.

Lượng khách có nhu cầu vay vốn bên ngoài vẫn không hề giảm. Một chủ tiệm vàng kiêm buôn bán ngoại tệ ở khu vực gần chợ Bến Thành cho biết, từ lúc lãi cho vay tín chấp tăng lên 7 – 8%/tháng, cho vay thế chấp lên 4 – 5%/tháng vào cuối quý 1/2012, bà tưởng khách đi vay sẽ giảm, nhưng rồi từ đầu tháng 5 đến nay lượng khách đi vay tăng gấp đôi so với trước, dù lãi suất chỉ giảm không đáng kể. “Có lẽ là đại gia thì không thể vào ngân hàng vay tiêu dùng, nhưng vì thiếu tiền mặt, nên hai tuần rồi khách vay toàn là các đại gia, đi xe hơi, giám đốc công ty… Họ đưa giấy tờ xe Camry, Mercedes, BMW, Lexus, Audi, nhưng chỉ vay vài trăm triệu đến 1 – 2 tỉ đồng để lấy tiền trang trải chuyện gia đình, cho con đi học... Cá biệt mới có một người vay 8 tỉ đồng để trả lương nhân viên. Ít có người vay hàng chục tỉ đồng để trang trải nợ nần như trước đây”, bà nói.

(Theo SGTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.