Từ ngày mai, 2/6, đến 4/6, gần một triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Đề thi năm nay vẫn dành 50% kiến thức cơ bản cho HS trung bình và khuyến khích đề thi mở với các môn tự luận. Trước ngày thi, thí sinh cần đặc biệt lưu ý:
Thí sinh lưu ý để tránh sai sót đáng tiếc |
Cẩn trọng với điện thoại di động
Một trong những điểm mới trong quy chế
thi của Bộ GD&T là TS đến chậm chưa quá 15 phút sau khi có hiệu
lệnh tính giờ làm bài vẫn được phép vào thi nhưng bị lập biên bản. Trước
đây, TS đến muộn ngay sau khi có hiệu lệnh là không được thi.
Quy định lùi thời gian cho phép TS đến
muộn được vào phòng thi là nhằm tạo thuận lợi hơn cho TS, song theo ý
kiến của các thầy, cô giáo, các em không nên vì thế mà chủ quan. Việc bị
lập biên bản gây tốn thời gian, dễ khiến các em mất bình tĩnh khi làm
bài, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các TS khác trong phòng thi. Vì vậy, TS
cần loại trừ các nguyên nhân có thể làm muộn giờ thi như sự cố giao
thông, đường xa, mưa bão…
Theo quy chế năm nay, thí sinh bị cảnh
cáo trước Hội đồng coi thi nếu chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí
sinh khác chép bài.
Các trường hợp bị đình chỉ thi nếu
mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định từ lúc bắt đầu phát đề
thi đến hết giờ làm bài, sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài
thi và các phương tiện thu phát thông tin. Nhận bài giải sẵn của người
khác, nhận hoặc chuyển giấy nháp, bài thi với thí sinh khác. Cố tình
không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm
của mình.
Đây là những quy đinh luôn được các
thầy, cô giáo phổ biến kỹ với TS ở trường và nhắc lại trước mỗi buổi
thi, song hầu như năm nào cũng có TS mắc lỗi. Phổ biến nhất là lỗi mang
điện thoại di động vào phòng thi. Ở kỳ thi năm 2011, khi chỉ còn vài
phút nữa là hết giờ làm bài, có không ít TS đã bị đình chỉ và hủy kết
quả kỳ thi một cách đáng tiếc bởi tiếng chuông điện thoại báo thức phát
ra trong túi.
Thí sinh được mang vào phòng thi bao
gồm: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ
thị, dụng cụ vẽ hình. Các vật dụng này không được gắn linh kiện điện,
điện tử. Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không
có thẻ nhớ. Atlat Địa lí Việt Nam (môn thi Địa lí) và không được đánh
dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Ngoài ra, thẻ dự thi và các đồ dùng
học tập là những thứ mà TS cần chuẩn bị đầy đủ, luôn mang theo bên mình ở
tất cả các buổi thi. Các kỳ thi trước, đã có TS vì quên thẻ mà không
được vào phòng thi, hoặc sử dụng sai loại bút.
Theo quy chế, TS chỉ được viết bằng
một thứ mực (không dùng mực đỏ), nếu viết hỏng phần nào thì dùng thước
gạch chéo phần đó, không được tẩy, xóa. Riêng với bài thi trắc nghiệm,
TS tô bằng bút chì đen vào các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.
Đề thi không quá khó, tránh học tủ
Ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ
GD&ĐT cho biết, đề vẫn có 2 phần: bắt buộc và tự chọn. Đối với các
môn toán, vật lý, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn bao gồm 2
phần: phần chung cho tất cả thí sinh sẽ được ra theo nội dung giao thoa
giữa 2 chương trình chuẩn và nâng cao; phần riêng sẽ ra theo từng chương
trình: chuẩn và nâng cao. Tuy nhiên, thí sinh được tùy chọn một phần
riêng để làm bài, không bắt buộc học theo chương trình nào phải làm đề
dành riêng cho chương trình đó.
Đề thi môn ngoại ngữ chỉ có một phần
chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình
chuẩn và chương trình nâng cao.
Đề thi có ít nhất 50% yêu cầu HS phải
hiểu và vận dụng được kiến thức, hiểu và ghi nhớ nhiều nhất là 50%.
Không chỉ với đề thi môn ngữ văn, Bộ GD&ĐT khuyến khích hướng ra đề
mở, đề có những câu hỏi phát huy tính sáng tạo, kỹ năng phân tích, tổng
hợp kiến thức ở đề thi tất cả các môn thi, nhất là các môn thi tự luận
theo hướng vừa phù hợp với đặc thù bộ môn, vừa đảm bảo mục đích của kỳ
thi là đánh giá, xác nhận trình độ THPT của người học.
Việc đổi mới đòi hỏi HS phải có kỹ
năng làm bài tốt hơn, tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt” và
cũng để sàng lọc, phân biệt chất lượng thí sinh. Tuy nhiên, với yêu cầu
của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn được ra theo hướng đảm bảo HS
có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp.
Theo đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi
nếu cố gắng, chăm chỉ, học tập và ôn luyện thì có thể làm bài thi đạt
điểm trung bình để đỗ tốt nghiệp; còn để đỗ tốt nghiệp loại khá giỏi thì
phải là học sinh có trình độ cao hơn và nhất là có năng lực vận dụng
sáng tạo kiến thức khi làm bài- ông Hiển nhấn mạnh.
Thực tế, những năm vừa qua, đề thi tốt
nghiệp THPT không quá khó, song nhiều thí sinh do chủ quan mà dẫn đến
lạc đề, mắc lỗi dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc, đặc biệt là ở các
môn xã hội. Năm nay, môn Hóa học và Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức trắc
nghiệm. Để làm tốt các môn thi này, một số thầy cô cho rằng: Khi đọc đề
thi, thí sinh nên đọc qua để định hình được những câu trả lời dễ ăn
điểm và đánh dấu ngay khoảng 10-20 câu.
Thí sinh không nên làm bài theo kiểu
từ trên xuống mà lựa câu dễ làm trước, câu khó để lại sau. Đồng thời,
theo các chuyên gia tuyển sinh, trước ngày thi, các em cũng không nên
học dồn và cũng không nên quá căng thẳng để có tâm lý thoải mái khi làm
bài.
Uyên Na
PLVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.