Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: AP
Hội
nghị Cấp cao an ninh châu Á lần thứ 11 (gọi là Đối thoại Shangri-la) đã
khai mạc ở Singapore hôm 1-6, tập trung thảo luận tình hình biển Đông
và vai trò quân sự tương lai của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị
do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức sẽ diễn ra trong 3
ngày, thu hút sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quân
sự hàng đầu và nhà phân tích đến từ 27 nước. Phát biểu khai mạc hội
nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono kêu gọi châu Á cần
nắm bắt những cơ hội chiến lược để xây dựng một kiến trúc bền vững cho
hòa bình.
Vấn
đề biển Đông thu hút nhiều chú ý tại hội nghị năm nay trong bối cảnh
Trung Quốc và Philippines đang đối đầu căng thẳng tại khu vực tranh chấp
ở vùng biển này. Hội nghị năm nay vắng mặt Bộ
trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nhưng lại có sự hiện diện
của người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin. Theo chương trình nghị
sự, hội nghị sẽ có một phiên thảo luận chung về chủ đề “Bảo vệ tự do
hàng hải” và một phiên thảo luận đặc biệt về vấn đề ngăn chặn tranh chấp
ở biển Đông trong ngày 2-6.
Ngoài vấn đề biển Đông, các đại biểu còn quan tâm đến chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới. Phát
biểu với các phóng viên trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Leon Panetta cho biết Washington có kế hoạch mở rộng sự hiện diện quân
sự tại châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc cộng tác với các đồng
minh và đối tác, thay vì thiết lập căn cứ thường trực. Theo Bộ trưởng
Panetta, Mỹ có thể cung cấp vũ khí, sự hỗ trợ công nghệ và những giúp đỡ
khác cho các nước trong khu vực, tùy thuộc vào nhu cầu của họ.
Hãng
tin AP cho biết trong bài diễn văn đọc tại hội nghị ngày 2-6, Bộ trưởng
Panetta dự kiến sẽ cung cấp thêm chi tiết về những kế hoạch tăng cường
binh sĩ và thiết bị quân sự tại khu vực này. Bên cạnh đó, Bộ trưởng
Panetta sẽ tìm cách xóa tan những hoài nghi rằng chiến lược chuyển sự
tập trung sang châu Á - Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc chỉ chứa nhiều
lời nói hơn hành động. Ông cũng sẽ nhấn mạnh rằng sự thay đổi chiến lược
nói trên còn bao gồm những nỗ lực phát triển các mối quan hệ kinh tế và
ngoại giao tốt hơn.
Đây
là lần thứ hai trong 3 ngày qua, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đề cập
tới chính sách tăng cường hợp tác quân sự quốc phòng mới của Washington
với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, phát biểu với các quân
nhân vừa tốt nghiệp tại Học viện Hải quân Mỹ hôm 29-5, ông Panetta khẳng
định việc xây dựng lực lượng Hải quân Mỹ hùng mạnh tại khu vực này sẽ
là trọng tâm chính mà các sĩ quan hải quân Mỹ thế hệ mới cần phải hướng
đến.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ leon panetta: Chúng ta phải cảnh giác
Trong
cuộc họp báo hôm 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi
Dân nói rằng Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ “đóng vai trò tích cực và xây dựng”
tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật
báo China Daily dẫn lời ông Lưu Vi Dân: “Chúng tôi cũng hy vọng Mỹ tôn
trọng quyền lợi và những lo ngại của Trung Quốc ở khu vực này”. Có vẻ
như tuyên bố nói trên nhằm đáp trả phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Leon Panetta tại Học viện Hải quân Mỹ ở thành phố Annapolis thuộc bang
Maryland, trước khi ông công du Việt Nam, Singapore và Ấn Độ bắt đầu từ
ngày 4-6. Bộ trưởng Panetta nói rằng chuyến đi này nhằm duy trì sự cảnh
giác trước lực lượng quân sự đang lớn mạnh của Trung Quốc. Ông lưu ý:
“Quân đội Trung Quốc đang được tăng cường và hiện đại hóa. Chúng ta phải
cảnh giác. Chúng ta phải mạnh và sẵn sàng đương đầu với mọi thách
thức”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Panetta đồng thời nhấn mạnh rằng mấu chốt
của vấn đề hòa bình trong khu vực là sự phát triển hợp tác quốc phòng
Mỹ-Trung.
Lưu Nguyễn
|
Hoàng Phương
Theo NLD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.