Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Thúc giục Quốc hội giảm thuế cứu doanh nghiệp

“Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% là việc trước sau cũng phải làm. Nhưng làm vào thời điểm này thì hiệu quả đạt được là lớn nhất”, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đề xuất.
Phiên thảo luận sáng 7/6 của Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 sôi nổi ngay từ những phút đầu với những đóng góp khá thẳng thắn và cởi mở của các đại biểu. Đa số ý kiến đều cho rằng trong điều kiện kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, việc điều hành của Chính phủ để đạt 15 trên tổng số 22 chỉ tiêu đề ra là đáng ghi nhận. Trong đó, đáng chú ý là việc lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tiếp tục tăng, dự trữ ngoại hối được cải thiện cùng với các cán cân vĩ mô khác…
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tăng trưởng thấp (chỉ đạt 4% trong quý I), cùng với tình trạng khó khăn của doanh nghiệp khiến nhiều đại biểu lo lắng. Là người đầu tiên đóng góp cho phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho biết ở địa phương mình hiện có gần 850 trên tổng số hơn 2.100 doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, hoặc phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện chỉ trông chờ vào hỗ trợ, trong khi khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ lại hoạt động đơn độc, manh mún. Ảnh: N.A
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện chỉ trông chờ vào hỗ trợ, trong khi khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ lại hoạt động đơn độc, manh mún. Ảnh: N.A
Đại biểu này cho biết, dự báo của nhiều cơ quan cho thấy trong năm 2012, trên cả nước sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh. Các doanh nghiệp gặp khó khăn chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực vận tải, xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp mới thành lập, chưa thể thu hồi vốn trong khi vẫn phải nai lưng ra đối phó với lãi suất cao.
Tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đã trực tiếp tác động đến sức tăng trưởng của nền kinh tế. Những cụm từ như “suy giảm tăng trưởng”, “giảm phát”… được nhiều ý kiến nhắc tới. Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), với tình hình hiện nay, nền kinh tế có phấn đấu “cật lực” cũng chưa chắc đã đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, theo yêu cầu của Quốc hội.
Nguy cơ này được nhiều ý kiến lý giải là do mặt trái của các biện pháp thắt chặt tài khóa, tiền tệ nhằm tác động vào tổng cầu. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), tác động vào tổng cầu là đúng nhưng việc giảm quá nhanh (đặc biệt tại 2 trụ cột là tiền tệ và chi tiêu) để giảm lạm phát không những làm kinh tế khó tăng trưởng mà còn khiến mặt bằng giá tăng cao trở lại trong giai đoạn sau.
Trong khi đó, theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới khó khăn chung của nền kinh tế là dòng vốn ngân hàng bị “nghẽn”. Dư nợ tín dụng 4 tháng giảm 1,35% so với cùng kỳ. Đến tháng 5 thì con số này tăng được một chút nhưng nếu trừ đi lượng mua trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thì mức tăng trưởng vẫn âm khoảng 0,83%. “Điều này đã góp phần khiến hơn 17.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động, phát sản trong thời gian qua”, đại biểu này nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo nhận định của đa phần các đại biểu, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình trạng hiện tại của nền kinh tế được coi là “có nhiều hy vọng” bởi dư địa chính sách đã rộng rãi hơn nhiều so với năm 2011. Theo phân tích của đại biểu Trần Du Lịch, vốn đầu tư từ ngân sách 5 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 12.700 tỷ đồng mỗi tháng. Như vậy, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng có thể giải ngân khoảng 15.700 tỷ đồng, cộng thêm khoảng 5.700 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ thì lượng tiền mà ngân sách có thể đẩy ra thị trường mỗi tháng có thể lên tới hơn 21.000 tỷ đồng mỗi tháng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần thận trọng với cung tiền cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Trần Du Lịch cho rằng cần thận trọng với cung tiền cuối năm. Ảnh: Hoàng Hà
Tuy vậy, đại biểu Lịch cũng cho rằng cơ quan điều hành cũng nên thận trọng với nguy cơ đầu năm không có tiền, cuối năm thì dồn dập. Bởi ngoài ngân sách Nhà nước, nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu khoảng 12%, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi tháng được đẩy ra thị trường. “Với khoảng 70.000 tỷ như vậy thì nền kinh tế không hấp thụ được nếu không giải quyết được “cục máu đông” là nợ xấu ngân hàng”, đại biểu này cảnh báo.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng gói giải pháp về thuế, phí trị giá 29.000 tỷ vừa được Chính phủ công bố là đúng nhưng chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu này đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ về thuế sang các lĩnh vực như vận tải, may mặc, da giày…, lập quỹ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, quỹ bảo lãnh tín dụng… Đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho miễn thuế đối với các dự án mà ngân sách nợ doanh nghiệp. “Với những dự án này, doanh nghiệp hiện vừa phải vay tiền ngân hàng để hoàn thành dự án, vừa phải vay để nộp thuế”, đại biểu này cho biết.
Cũng liên quan đến các giải pháp về tài khóa, nhiều ý kiến đại biểu tiếp tục thúc giục Quốc hội cho phép giảm thuế đối với doanh nghiệp. “Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% là việc trước sau gì cũng phải làm, nhưng làm vào thời điểm này thì hiệu quả đạt được là cao nhất”, đại biểu Trần Du Lịch nhận định. Theo chuyên gia này thì doanh nghiệp hiện đang như con bệnh, việc giảm thuế sẽ giúp họ có được niềm tin, các giải pháp chữa trị do đó mới có hiệu quả.
Chính phủ đang trình Quốc hội gói 29.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012. Tuy nhiên, theo đại biểu Lịch, chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nên đưa vào luật để Quốc hội quyết, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, trong phiên thảo luận sáng 7/6, 28 lượt nêu ý kiến của các đại biểu cũng tập trung trao đổi về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng cũng như nhiều vấn đề xã hội khác như y tế, phát triển nông nghiệp - nông thôn, công trình giao thông xuống xấp, nạn cháy xe, hành hung nhà báo… Các vấn đề này sẽ tiếp tục được các đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay, cùng với những ý kiến trao đổi của các thành viên Chính phủ về thực tế điều hành.
Báo cáo kinh tế - xã hội được đại diện Chính phủ trình bày đầu kỳ họp cho thấy, trong số 22 chỉ tiêu được đề ra cho năm 2011, Chính phủ đã hoàn thành và vượt 15 chỉ tiêu. Trong đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,2% (so với mục tiêu 10%) và góp phần giảm nhập siêu xuống còn 10,16%, thấp hơn nhiều so đích ngắm 18%.
Tuy nhiên, trong số các chỉ tiêu chưa đạt, có không ít các chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong đó, tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,89%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7-7,5%. Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại vượt xa ngưỡng “không quá 7%”, lên tới 18,13% vào cuối năm. Các chỉ số khác như tạo việc làm, tổng đầu tư toàn xã hội… cũng kém hơn so với mục tiêu đề ra.
Bước sang 4 tháng đầu năm 2012, với việc tiếp tục thực hiện mục tiêu chủ yếu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, báo cáo cho thấy Chính phủ đã khá thành công trong việc kéo tốc độ tăng CPI xuống mức 2,6% so với cuối năm 2011 (thấp nhất trong vòng 3 năm qua), nhập siêu tiếp tục giảm, lãi suất hạ dần, tỷ giá ổn định… Tuy nhiên, nền kinh tế lại gặp vấn đề về tăng trưởng, khi tốc độ tăng GDP quý một chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Các chỉ số về sản xuất, thương mại, tồn kho, phát triển doanh nghiệp… cũng rất đáng lo ngại.
Đánh giá về những điều làm được, Chính phủ cho rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của năm 2011, việc thực đạt được những kết quả nêu trên là tích cực mặc dù còn một số chỉ tiêu chưa đạt. Riêng về 4 tháng đầu năm 2012, Chính phủ cũng đánh giá là tình hình kinh tế xã hội “đã có chuyển biến, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng”.
Theo Nhật Minh
VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.