Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

"Doanh nghiệp tư như cô con gái chưa được thừa nhận"


Nữ doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2009 - Đặng Thị Hoàng Yến cho rằng doanh nghiệp tư nhân còn phải chờ đợi rất lâu để có được những ưu đãi ngang bằng với người anh trai doanh nghiệp Nhà nước.
Ý kiến này được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Tạo đưa ra khi chủ trì buổi họp báo giới thiệu Hội nghị thượng đỉnh về thương mại và đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) 2010, nơi bà Hoàng Yến giữ cương vị đồng Chủ tịch.
Hội nghị diễn ra vào ngày 26-28/10 tới tại Hà Nội dự kiến sẽ quy tụ một số lãnh đạo các nền kinh tế ASEAN và 7 nước đối tác. Chương trình thảo luận sẽ bàn về rất nhiều vấn đề lớn của kinh tế và đầu tư tại khu vực, trong đó có một nội dung quan trọng là việc phát triển kinh tế tư nhân.
Tại Việt Nam, với hơn 400.000 doanh nghiệp đã được đăng ký hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 49% vào GDP của toàn xã hội. Tuy vậy, theo quan điểm của người đứng đầu Tập đoàn Tân Tạo, các công ty tư nhân hiện vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi so với "người anh" doanh nghiệp Nhà nước.
"Nói theo cách của người Việt thì doanh nghiệp quốc doanh hiện vẫn được đối xử như con trai trong nhà. Trong khi đó, các công ty tư nhân như chúng tôi vẫn đang cố gắng 'xin' để được coi như con gái", bà Yến so sánh.
Ví dụ tiêu biểu nhất được bà Yến nêu ra là việc doanh nghiệp Nhà nước được hưởng quy chế bảo lãnh vay vốn của Chính phủ khi thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Trong khi đó, với doanh nghiệp tư nhân, việc này gần như không thể.
"Dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương mà Tân Tạo triển khai mới đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân nhận được bảo lãnh của Chính phủ. Thực ra, vì đó là dự án trọng điểm, có quy mô hàng tỷ USD và chắc chắn phải huy động vốn từ nước ngoài, nên quy chế bảo lãnh mới được tính đến. Nhưng với những doanh nghiệp khác, dự án khác ở tầm nhỏ hơn thì sao?", bà Yến đặt câu hỏi.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo. Ảnh: N.M
Trong khi đó, theo kinh nghiệm của nữ doanh nhân này, chuyện phân biệt đối xử như vậy rất ít xảy ra trên thế giới. Bà Yến cho biết, khi bà thành lập doanh nghiệp và đầu tư vào dự án xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp tại Mỹ, công ty của bà vẫn nhận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ, không khác gì các đại gia bất động sản tại Mỹ. Trong khi đó, doanh nghiệp của bà mới "chân ướt chân ráo" gia nhập thị trường này.
"Sau khi hoàn thành dự án, chúng tôi được nhà chức trách hoàn lại gần 500.000 USD chi phí cho hệ thống điện, nước. Đây là chính sách ưu đãi chung, và doanh nghiệp nào tham gia cũng được hưởng", nữ doanh nhân này tiết lộ.
Một vấn đề khác cũng được bà Đặng Thị Hoàng Yến trăn trở là mặc dù nhận được nhiều hỗ trợ nhưng hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước không cao. Vị doanh nhân này nhấn mạnh, doanh nghiệp quốc doanh phải cần đến 8 đồng vốn mới tạo ra được một đồng lãi, trong khi tư nhân chỉ cần 4 đồng.
"Xét về quá trình thực hiện cùng một dự án, doanh nghiệp Nhà nước phải cố gắng một thì tư nhân phải cố gắng gấp đôi, gấp ba thì mới có thể thực hiện được thành công. Điều này nhiều khi khiến chúng tôi nản lòng", bà Yến tâm sự.
Tuy vậy, cùng với những chuyển biến của chính sách trong thời gian qua, sự phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tư nhân đã phần nào giảm bớt. Chủ tịch của Tân Tạo nói: "Rõ ràng, không thể qua một đêm mà mọi chuyện thay đối. Cánh cửa đang được mở ra và những doanh nghiệp như chúng tôi muốn nó được mở nhanh hơn nữa".
Cũng theo nữ doanh nhân họ Đặng thì với tư cách là đồng Chủ tịch Hội nghị ASEAN-BIS 2010, bà sẽ cố gắng đưa vấn đề phát triển doanh nghiệp tư nhân trở thành một nội dung được quan tâm tại Hội nghị diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
"Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân không cần Nhà nước phải bơm vốn. Cái họ cần là sự đối xử công bằng về chính sách. Chúng tôi sẽ cố gắng bày tỏ mong muốn đó khi có dịp đối thoại với các cấp lãnh đạo tại hội nghị", bà Yến cho biết.
Quan điểm này cũng được ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN-BIS đồng tình. Theo ông Khương, điểm mấu chốt trong việc phát triển kinh tế tư nhân là phải tạo được một môi trường pháp lý bình đằng:
"Tôi nghĩ các doanh nghiệp tư nhân không gặp nhiều trở ngại trong vấn đề tiếp cận vốn, thông tin... Tuy nhiên, để biến tiếp cận đó thành cơ hội thực sự thì luôn cần một môi trường pháp lý, chính sách công bằng", ông Khương khẳng định.
Theo VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.