Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Vị đắng cuộc chuyển giao quyền lực ở Sacombank

Nụ cười vẫn trên môi ông Đặng Văn Thành, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank trong suốt đại hội cổ đông diễn ra cuối tuần qua (26.5). “Nụ cười ngoại giao”, là nhận xét của một cổ đông.
Nụ cười vẫn trên môi ông Đặng Văn Thành

Ông Thành đã gọi tên đại hội cổ đông năm nay là cuộc chuyển giao quan trọng. HĐQT của Sacombank đã có sự xáo trộn lớn, khi người cũ phải ra đi, nhường ghế cho bốn người từ cổ đông lớn – ngân hàng Phương Nam (PNB) và hai người từ Eximbank.
Người cũ được “bù đắp”
Ông Thành cũng xin thoái vị trí đại diện pháp luật của Sacombank mà ông đã nắm giữ suốt nhiều năm, nhường cho tổng giám đốc. Điều an ủi cho những thành viên HĐQT cũ phải ra đi là, HĐQT mới đã xin nâng tỷ lệ thù lao cho hoạt động HĐQT Sacombank từ mười năm nay ở mức 1%, lên 2,5% lợi nhuận sau thuế 2012, khoảng 63,75 tỉ đồng, nhằm lấy một phần trong đó “bù đắp” cho sự ra đi ấy. Theo những lời lẽ được công khai tại đại hội, những người cũ đã thành công khi tạo dựng được một Sacombank như ngày hôm nay. Nhưng dù như thế, trong cuộc thâu tóm này, họ cũng buộc phải ra đi và chấp nhận sự “bù đắp”.
Sự nhượng bộ từ HĐQT cũ cho thấy nhóm cổ đông lớn đã bộc lộ sức mạnh tài chính áp đảo. Cũng như từ nay, hoạt động Sacombank sẽ bị chi phối mạnh mẽ từ những người mới.
Năm 2011, PNB quản lý vốn điều lệ 3.200 tỉ đồng, khoảng 136 chi nhánh và phòng giao dịch, có được lợi nhuận sau thuế 226 tỉ đồng, và có thời điểm từng phải nhờ đến ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản. Trong khi Sacombank, vốn điều lệ gấp ba lần, mạng lưới gần gấp bốn lần, lợi nhuận sau thuế 2011 đạt hơn 2.000 tỉ đồng, và nắm trong tay hơn 1,3 triệu khách hàng. Điều mà cổ đông bàn tán nhiều là một ngân hàng lớn mạnh đã bị một ngân hàng nhỏ yếu hơn nắm quyền kiểm soát, chứ không phải ngược lại. Một bài học cảnh giác cho doanh nghiệp.
Cổ đông lớn trấn an đại hội khi cho biết sẽ không có biến động trong điều hành, ít nhất trong năm nay. Dù vậy, những ngày tới Sacombank sẽ chịu sự “nhúng tay” tham gia sâu hơn vào hoạt động của cổ đông lớn, khi Eximbank cho biết sẽ cử người sang kiểm toán nội bộ một vài đơn vị thuộc Sacombank.
Tại vị nhưng khó ngược dòng
Nếu như thị trường có thể biết được Eximbank và người/tổ chức liên quan nắm giữ bao nhiêu cổ phần tại Sacombank thông qua các báo cáo giao dịch, thì vẫn chưa rõ tỷ lệ của PNB. Vì vậy, cổ đông Sacombank không biết PNB hiện nắm giữ bao nhiêu, chỉ đại diện cho chính mình hay còn đại diện cho ai? Cổ đông nhỏ lẻ Sacombank có quyền biết HĐQT mới có quyền lợi liên quan và gắn bó như thế nào với Sacombank, liệu họ có ra đi khi họ không đạt được kỳ vọng ban đầu? Cũng như, Eximbank và PNB khó tránh khỏi việc bị chi phối bởi những cổ đông trong liên minh, nên việc mua bán (nếu có) sau này của các nhà đầu tư này cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Sacombank, ảnh hưởng đến cổ đông khác.
Ngoài tờ trình của HĐQT PNB xin cổ đông uỷ quyền quyết định trong việc đầu tư tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ trên 20%, trong tài liệu đại hội 2011 của ngân hàng này không có báo cáo việc nắm giữ cổ phiếu Sacombank hay bất cứ ngân hàng nào. Tuy nhiên, theo tin thị trường, nhóm này đang nắm giữ trên 63% vốn điều lệ Sacombank. Không chỉ cổ đông Sacombank, mà cổ đông PNB và Eximbank cũng đang phấp phỏng chờ kết quả hoạt động Sacombank, cũng như sự sáp nhập (nếu có) từ ba ngân hàng này.
“Sacombank chỉ phù hợp với cổ đông gắn bó”, ông Đặng Văn Thành từng cho biết. Nhóm cổ đông mới cam kết hỗ trợ, kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Sacombank trong 20 năm qua: trở thành một ngân hàng đa năng và hàng đầu. Song, con người mới, suy nghĩ mới, quyền lực mới, cách điều hành mới có lẽ sẽ khiến bộ máy Sacombank không tránh khỏi sự chệch choạc trong thời gian đầu, mà có khi khắc phục được, có khi không, như một vài doanh nghiệp bị thâu tóm rơi vào, như Tribeco lỗ liên tục và đã huỷ niêm yết.
“Dù kỳ vọng vào lời hứa của lãnh đạo mới, tôi vẫn chưa an lòng vì chưa rõ chân dung thật sự của họ lắm”, một cổ đông Sacombank nói. Cũng như vậy, nụ cười của ông Đặng Văn Thành không tròn được, dù ông và con trai vẫn tại vị trong HĐQT, nhưng với lượng phiếu ít ỏi, những ý kiến trái chiều của ông và con trai (nếu có) sẽ khó lòng ngược dòng trước tám lá phiếu biểu quyết kia.
Theo HỒNG SƯƠNG
SGTT

1 nhận xét:

  1. Một cuộc thôn tính đầy bí ẩn gây tranh cãi và có lẽ chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam, lý do:
    1. Ngân hàng Thương Mại CP Phương Nam (PNB) là NH có dư nợ tín dụng 76.000 tỷ đồng và đã mất thanh khoản từ tháng 10/2011 theo công bố của NH Nhà nước (NHNN). Trong Báo cáo tài chánh đến 31/12/2011 thì NHNN đã phải chi viện vốn rót cho PNB 5.000 tỷ đồng.
    2. Vậy làm thế nào một NH nhóm 4 mất thanh khoản nguy ngập đến nỗi NHNN đã phải dùng tiền của dân để rót và thuộc diện giám sát đặc biệt, vậy mà đã thâu tóm được Samcombank - NH nhóm 1 đang niêm yết trên thị trường Hose trị giá gần 7 tỷ USD của ông Đạng Văn Thành gây dựng suốt 20 năm qua? Trả lời được câu hỏ này thì có lẽ sẽ thấy bức tranh thật của vụ thôn tính ngoạn mục này!

    Trả lờiXóa

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.