Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Chuyện cảm động về lá thư của tử sĩ Mỹ trên CNN và Báo Đất Việt



Tâm nguyện của Đại tá Nguyễn Phú Đạt chia sẻ trên Đất Việt về những bức thư của người lính Mỹ Steve Flaherty, cuối cùng đã thành hiện thực.
Phong bì và thư gốc của Steve gửi người thân. Ảnh: Lê Phương.

Loạt bài về "những lá thư chưa kịp gửi" của trung sĩ Steve Flaherty:


 Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cùng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trân trọng trao cho nhau những kỷ vật chiến tranh của những người lính từng đứng ở hai bờ chiến tuyến (*).

Trong số đó, có những bức thư của trung sĩ Steve Flaherty gửi người mẹ của mình, do những khúc quanh của lịch sử, được Đại tá Nguyễn Phú Đạt lưu giữ hơn 40 năm. Là cán bộ địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tá Đạt nhận những lá thư này từ chiến trường chuyển ra vào năm 1969.

Đối với Đại tá Đạt, những lá thư này là kỉ vật chiến tranh của bản thân nhưng hơn hết là của bà mẹ Mỹ. Nghĩ đến bà mẹ Mỹ đang chờ tin con nơi phương trời xa, ông quyết định giữ lại và tìm cách trao cho thân nhân gia đình người lính Mỹ có tên Steve Flaherty.

Thế nhưng, những phong bì, những lá thư, và cả tấm ảnh của Steve cùng thông tin cơ bản nhất là người lính này thuộc Sư đoàn không vận 101 tham chiến ở miền tây Thừa Thiên Huế… tất cả được ông Đạt không ít lần tìm cách chuyển tới gia đình của người lính Mỹ, nhưng mọi cố gắng đều vô vọng.

Tới tháng 8/2011, đại tá Nguyễn Thế Kỷ, người có cơ duyên biết được tâm nguyện trên đã có bài viết kể lại câu chuyện và gửi Báo Đất Việt. Bài viết của Đại tá Nguyễn Thế Kỷ là bài mở đầu cho loạt bài "Những lá thư chưa kịp gửi" (từ số 1012 (29/8/2011) tới số 1015 (1/9/2011), để lại sự xúc động sâu sắc trong lòng nhiều độc giả.


Đại tá Nguyễn Phú Đạt (phải) và Đại tá Nguyễn Thế Kỷ (trái). Ảnh: Lê Phương.

Lúc đó, tâm nguyện của Đại tá Nguyễn Phú Đạt - “Năm nay tôi 83 tuổi, sống chết không biết lúc nào. Lỡ may có mệnh hệ gì thì số phận những lá thư sẽ ra sao. Tôi hi vọng anh (Đại tá Nguyễn Thế Kỷ - ĐV) sẽ tiếp tục tìm cách gửi chúng đến được tay người nhận” - trở thành niềm day dứt trong lòng nhiều độc giả Báo Đất Việt. Một độc giả tên Bình viết: “Hy vọng một ngày không xa, gia đình Steve sẽ biết những điều này và tôi cũng muốn biết kết cục. Xin cảm ơn!”.

May mắn thay, chưa đầy một năm sau, ước vọng ấy đã trở thành hiện thực. Qua một bài viết đăng trên trang mạng của hãng tin CNN, chúng ta được biết gia đình của trung sĩ Steve Flaherty đã nhận được những bức thư của người lính này. Theo CNN, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc với các đối tác tại Việt Nam để sắp xếp việc bàn giao các bức thư của Flaherty cho ông Panetta để ông đưa chúng trở về với gia đình Flaherty.

Bà Martha Gibbons, chị dâu của Flaherty cho biết, đã nhận ra nét chữ viết tay của em mình ngay lập tức, khi những hình ảnh về lá thư được công bố. Những lá thư đã giày vò trái tim bà khi làm hồi sinh những kỷ niệm đẹp mà bà có với Steve Flaherty. "Tôi luôn luôn yêu thương Steve và ngưỡng mộ lòng can đảm cũng như tính cách của cậu ấy. Và những lá thư này chỉ làm tôi ngưỡng mộ, yêu thương Steve nhiều hơn", bà nói.

Như vậy, câu chuyện về tâm nguyện của Đại tá Nguyễn Phú Đạt đã có một cái kết có hậu. Những bức thư của trung sĩ Steve Flaherty, cùng với nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhật ký của chiến sĩ giải phóng Vũ Đình Đoàn và có thể rất nhiều những kỷ vật chiến tranh khác nữa cho chúng ta thấy điều kỳ diệu của lịch sử. Những góc riêng hết sức nhân văn ở mỗi số phận được thử thách trong sự nghiệt ngã của chiến trường, nay lại hóa thân thành chất keo kết dính hàn gắn và vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc từng ở hai bên chiến tuyến trong thế đối đầu không khoan nhượng.

(*) Về phía Mỹ, Bộ trưởng Panetta sẽ bàn giao cho phía Việt Nam cuốn nhật ký của chiến sĩ Giải phóng Vũ Đình Đoàn. Cuốn nhật ký này được cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ Robert Frazure giữ từ năm 1966. Frazure đã mang cuốn nhật ký từ Việt Nam về nhà ở Walla Walla, Washington, và vẫn giữ chúng kể từ sau khi xuất ngũ. Sau đó, ông đưa cuốn nhật ký cho em gái của một trong những người đồng đội bị chết trong cuộc chiến, khi cô cần các tài liệu nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Cô đã đưa nó cho chương trình “Khám phá lịch sử” của đài PBS.

Tuấn Linh
ĐVO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.