Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Suy kiệt tín dụng?

Chính sách cứu trợ cho nền kinh tế có lẽ là không tránh khỏi, nhưng nếu hiệu quả thấp và vẫn ưu đãi những bộ phận thiếu hiệu quả thì chỉ làm gia tăng đình đốn, lạm phát, thất nghiệp và nợ quốc gia.
Bài học về những cái vòng luẩn quẩn như vậy vẫn còn nóng hổi ở Hi Lạp, Anh và Mỹ.

Nhà băng có tiền nhưng khó cho vay Cho đến tháng 5 này, ở Việt Nam đã xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng của một tình trạng mà Anh và Mỹ lâm vào kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu và vẫn kéo dài tới nay: lãi suất thấp, ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp (DN) không thể vay, nhất là DN vừa và nhỏ. Trang tin của Reuters hay các tờ báo lớn của Anh và Mỹ như Guardian và New York Times vẫn đang kể những câu chuyện về các ngành kinh doanh gặp khó khăn vì bị cắt giảm nguồn tín dụng. Những tình huống này nói chung là dấu hiệu của khủng hoảng tín dụng hay suy kiệt tín dụng (tạm dịch từ cách gọi credit crunch của Anh - Mỹ).
Đầu năm nay, tờ Guardian (Anh) cảnh báo tình trạng khủng hoảng tín dụng có thể quay lại khi một lượng lớn tiền của các ngân hàng ở châu Âu (khoảng 450 tỉ euro) được đem gửi vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ để lãnh lãi suất 0,25%. Các chuyên gia phân tích của những hãng tư vấn và phân tích lớn của nước ngoài nhận xét: như vậy, nhiều năm sau khi đợt khủng hoảng bắt đầu vào năm 2007, tình trạng suy kiệt (đôi khi gọi là khủng hoảng) tín dụng vẫn tiếp tục ở châu Âu.
Tình trạng không khá hơn ở Mỹ khi vào tháng 4 ngành khí gas thiên nhiên cũng được cho là ở hoàn cảnh khó khăn khi nguồn cho vay liên tục cạn kiệt mà bản thân nhiều DN trong ngành cũng không muốn vay nữa. Xin nhớ rằng lãi suất của Mỹ vẫn ở mức rất thấp (các lãi suất chính sách của Mỹ không xa mức 0% là bao nhiêu) còn lãi suất cho vay mua nhà 30 năm cũng chỉ ở mức 3,8-3,9%, theo số liệu của Bloomberg.
Điều này rủi thay lại tương đồng với tình trạng Việt Nam hiện nay. Lãi suất VND liên ngân hàng của Việt Nam trong những tuần đầu tháng 5 chỉ còn 2,5-3%/năm cho các khoản vay qua đêm và kỳ hạn một tuần, phản ánh tình trạng thanh khoản ổn định của các ngân hàng. Trong khi đó, số liệu lạm phát cũng tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt. Đây là hai điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xem xét giảm thêm lãi suất, các tổ chức nước ngoài cũng lên tiếng dự báo NHNN sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, một tín hiệu đối lập là các DN vẫn lên tiếng than phiền không thể vay được vốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Xét ở khu vực nguồn cung tín dụng là từ các ngân hàng thương mại, bản thân các ngân hàng thừa tiền có xu hướng đổ tiền vào các tài sản có chất lượng cao hơn và an toàn hơn như tín phiếu và trái phiếu chính phủ thay vì cho vay. Đối với họ, môi trường kinh doanh hiện tại khi mà DN có nhiều hàng tồn kho và tình trạng đóng cửa phá sản của DN đang diễn tiến phức tạp, thì thà giữ tiền đầu tư với lãi suất thấp và thắt chặt điều kiện tín dụng vẫn tốt hơn cho vay mà mất luôn cả vốn lẫn lãi.
Trong điều kiện kinh doanh hiện nay, dù DN có tài sản thế chấp thì chưa chắc ngân hàng đã mặn mà tiếp quản trong trường hợp DN không trả nổi nợ. Tình trạng này các học giả nước ngoài gọi là chạy vào tài sản chất lượng cao (flight to quality).
Ngược lại, xét ở mặt cầu tín dụng, nghĩa là các DN cần vay, thì trong một môi trường kinh doanh bất định và kém thuận lợi hơn trước, ngay cả trong môi trường lãi suất thấp dăm ba phần trăm của Anh và Mỹ mà nhiều DN cũng không muốn vay thì nói gì đến mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay của Việt Nam. Với môi trường kinh doanh không thuận lợi, nhiều DN có điều kiện vay lại chú trọng vào tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và chọn giải pháp phòng thủ, không mở rộng kinh doanh. Kết quả là DN không mở rộng đầu tư thì vay làm gì.
Nhiều chuyên gia trong nước đã dẫn chứng con số kim ngạch xuất khẩu tính đến tháng 4-2012 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước trong khi nhập khẩu chỉ tăng 4,4% để nhấn mạnh về tình trạng thu hẹp sản xuất trong nền kinh tế.
Nếu tách con số kim ngạch nhập khẩu ra thành khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, có thể thấy mức tăng thấp của nhập khẩu gây ra do việc sụt giảm 11,9% kim ngạch nhập khẩu của khối kinh tế trong nước so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn có mức tăng nhập khẩu hơn 25%. Do phần lớn hàng nhập khẩu của Việt Nam là làm đầu vào cho sản xuất, đây là tín hiệu thu hẹp sản xuất, tương đồng với những gì nhìn thấy qua con số DN đóng cửa và con số xin trợ cấp thất nghiệp.
Trong một bối cảnh DN đóng cửa, “đại gia” nợ nần, thiếu tiền nông dân và các vụ bê bối ở các DN nhà nước liên tục bị phanh phui, các đối tác kinh tế như châu Âu và Mỹ đứng trước rủi ro tái khủng hoảng còn láng giềng Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, liệu DN nào sẽ mạnh tay vay tiền đầu tư? Đầu tư sản xuất rồi bán hàng cho ai khi mà hàng tồn kho cứ phình ra? Không cứ là các loại nhà cửa của các công ty bất động sản, cứ nhìn hiện trạng của một ngành kinh doanh như ngành điện máy trong mùa Euro này so với các kỳ lễ hội bóng đá trước đây thì rõ.
Việc suy kiệt tín dụng và đình đốn sản xuất ở Việt Nam đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dự báo trước. Nó chẳng qua là kết quả tất yếu của việc tăng trưởng tín dụng quá dễ dãi của nhiều năm trước, dẫn đến những DN không hiệu quả cũng vay được vốn và tạo bong bóng kinh tế. Nay khi vòi tín dụng bị đột ngột thắt lại trong vài năm gần đây để chống lạm phát và các DN đầu tàu mà thiếu hiệu quả lâm vào lao đao, ngân hàng ôm vào mình một lượng nợ xấu mới để lo xử lý và phải thận trọng với chuyện cho vay.
Do đó, dù có tiền họ cũng không dám mạnh tay cho vay. Mỹ với Nhật giữ lãi suất gần 0% mà còn lâm vào tình trạng như vậy, dù NHNN có hạ được thêm lãi suất nhiều nữa cũng không đảm bảo ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay được. Bởi dù họ muốn cho vay, DN có khả năng vay cũng không chịu vay. Còn với DN muốn “liều mạng” vay với lãi suất bao nhiêu cũng được thì không nhiều ngân hàng dám mạnh tay cho vay, chưa kể những ngân hàng “dũng cảm” như vậy thì nhiều khả năng bản thân cũng đã có hạn chế đáng kể về vốn, chất lượng thanh khoản và chất lượng tài sản.
Phải nhìn lại gốc rễ của vấn đề
Hiện trạng ngân hàng có tiền dư mà không cho vay, DN thì thiếu vốn, nhất là DN vừa và nhỏ, là rất đáng lo ngại và có khả năng kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống và gia tăng thất nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần thấy là về mặt lý luận lẫn thực tế ở các nước và cả ở Việt Nam thời gian qua là không phải cứ giảm lãi suất và cho vay được sẽ giải quyết được tình hình suy giảm kinh tế và tăng thất nghiệp.
Hãy giả định rằng chúng ta không rơi vào bẫy thanh khoản, nghĩa là trường hợp cho dù NHNN có bơm tiền ra thì lãi suất cũng không giảm được, và cũng giả định rằng lạm phát sẽ không sớm bùng phát trở lại, ngay cả trong bối cảnh đó, vấn đề mấu chốt là hàng không bán được, sức cầu trong nước và nước ngoài giảm cùng những bất định trong môi trường đầu tư cũng đang làm các nhà đầu tư trong và ngoài nước chùn bước.
Vì vậy, trước hết, một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch cộng với một môi trường vĩ mô lạm phát ổn định là cần thiết để thu hút dòng vốn đầu tư và tín dụng chảy trở lại vào nền kinh tế. Nhưng dù đạt được như vậy thì vốn sẽ chảy đi đâu nếu sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tệ? Những đầu tư vào nền kinh tế của chúng ta trong bao năm qua để đổi lấy tăng trưởng bình quân 7%/năm đã tạo ra sức mạnh công nghệ và thương hiệu lớn nào cho Việt Nam?
Nếu nó quay lại vào bất động sản để đẩy giá nhà lên trở lại và đẩy chứng khoán sốt lên ở mức không tồn tại được thì chỉ làm lợi cho một số người mà sẽ làm tổn hại nền kinh tế thêm một lần nữa. Vì vậy, với bất cứ gói giải cứu nào sẽ được đưa ra, hi vọng mục tiêu của những gói giải cứu đó nhắm tới cuối cùng là sự ổn định dài hạn và tái lập sức cạnh tranh của nền kinh tế, chứ không phải là môi trường để một số nhóm lợi ích trục lợi.
Từ lâu chúng ta đã được các nhà tài trợ vốn cho Việt Nam lẫn các định chế tài chính quốc tế tư nhân nhắc khéo trong báo cáo của họ rằng hiệu quả thực thi chính sách của chúng ta là không tốt.
Theo HỒ QUỐC TUẤN
(nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Manchester, Anh)
Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.